Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT: Đảm bảo quá trình điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật, tránh oan sai

Trần Minh Giang| 03/12/2015 09:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 14/11/2015, Bộ Công an - VKSNDTC - TANDTC - Bộ Tư pháp đã ký Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT...

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay và đảm bảo quá trình điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai, ngày 14/11/2015, Bộ Công an - VKSNDTC - TANDTC - Bộ Tư pháp đã ký Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT sửa đổi, bổ sung điểm a tiết 1.1 và tiết 1.4 mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999.

Những quy định của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT

Để áp dụng đúng và thống nhất “Các tội phạm về ma túy”, ngày 24/12/2007, Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp ký Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT (TTLT số 17) để hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII BLHS. Theo hướng dẫn tại tiết a và b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I TTLT số 17 thì: “Đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch (như dung dịch thuốc phiện, dung dịch hêrôin dùng để tiêm, chích) hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng để tiện cho việc sử dụng thì không coi toàn bộ dung dịch này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng moocphin trong dung dịch để tính trọng lượng của chất ma túy đó. Đối với xái thuốc phiện thì không coi là nhựa thuốc phiện mà phải xác định hàm lượng moocphin trong xái thuốc phiện để tính trọng lượng của thuốc phiện”.

Đặc biệt, theo quy định tại mục 1.4 Phần I của TTLT này thì: “Trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”. Việc yêu cầu giám định chất ma túy theo TTLT số 17 là thực sự cần thiết, hoàn toàn phù hợp với quy định của BLHS, Luật Phòng chống ma túy và các văn bản pháp luật có liên quan; bảo đảm tính đúng đắn, khoa học, là cơ sở vững chắc để Tòa án các cấp xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai… Tuy nhiên, trong thời gian qua, cơ quan Công an, Viện kiểm sát các cấp phản ánh có những khó khăn trong thực hiện TTLT số 17 và đề nghị sửa đổi, bổ sung TTLT số 17 để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay.

Giải pháp khắc phục

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng và căn cứ Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 của Quốc hội khóa XIII về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động TTHS, ngày 14/11/2015, Bộ Công an - VKSNDTC - TANDTC - Bộ Tư pháp đã ký Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT (TTLT số 08) sửa đổi, bổ sung điểm a tiết 1.1 và tiết 1.4 mục 1 Phần I TTLT số 17/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999.

Theo đó, khoản 1, Điều 1 TTLT số 08 quy định: “Đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng thì không coi toàn bộ dung dịch hoặc dung dịch pha loãng này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng chất ma túy trong dung dịch để tính trọng lượng chất ma túy đó. Ví dụ: Thuốc phiện, hêrôin được hòa thành dung dịch thì không coi toàn bộ dung dịch này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác đinh hàm lượng moócphin cùng với các thành phần khác của thuốc phiện trong dung dịch để tính trọng lượng của thuốc phiện hoặc xác định, hàm lượng moócphin cùng với các thành phần khác của hêrôin để tính trọng lượng hêrôin”.

Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT: Đảm bảo quá trình điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật, tránh oan sai

Cơ quan Công an giám định hàm lượng, trọng lượng chất ma túy

Khoản 2, Điều 1 TTLT số 08 quy định: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau: Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d tiết 1.4 mục 1 Phần I TTLT số 17 thì TTLT số 08/2015/TTLT quy định: “Nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật”.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 1 TTLT số 08 cũng quy định rõ: “Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy. Trường họp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi... thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này. Trường hợp không thu giữ được vật chứng là chất ma túy, tiền chất nhưng có căn cứ xác định được trọng lượng chất ma túy, tiền chất mà người phạm tội đã mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh và điều khoản tương ứng”.

Điều 2 TTLT số 08/2015/TTLT về quy định chuyển tiếp nêu rõ: Đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước ngày TTLT số 08/2015/TTLT có hiệu lực thi hành, nếu các hướng dẫn trong TTLT này làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với các hướng dẫn trong TTLT số 17/2007/TTLT thì được áp dụng khi điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Đối với các trường hợp mà người phạm tội đã bị kết án đúng theo TTLT số 17/2007/TTLT và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không áp dụng hướng dẫn của TTLT số 08/2015/TTLT để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. TTLT số 08/2015/TTLT sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/12/2015. Bãi bỏ các hướng dẫn tại điểm đ tiết 3.7 mục 3 Phần II; điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II; mục 8 Phần II của TTLT số 17/2007/TTLT.

Thông tư cũng quy định, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên quan phản ánh về Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp để có hướng dẫn kịp thời.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT: Đảm bảo quá trình điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật, tránh oan sai