Thông tư 20: Bãi bỏ hay nâng cấp thành nghị định?

Mạnh Nguyễn| 14/08/2016 15:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Câu hỏi về “số phận” của Thông tư 20 đã được đặt ra tại một buổi tọa đàm diễn ra mới đây và hiện vẫn chưa ngã ngũ khi người bảo bỏ, người lại đề nghị nâng cấp thành Nghị định.

Thông tư số 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương (có hiệu lực từ ngày 26/6/2011 đến ngày 1/7/2016) ngoài các quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu xe hơi theo Tiêu chuẩn Việt Nam, còn bổ sung các quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới nguyên chiếc phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất, nếu không thì phải có hợp đồng đại lý chính hãng. Ngoài giấy tờ trên, các doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông - Vận tải cấp.

Đã một tháng rưỡi kể từ khi Thông tư 20 hết hiệu lực, nhưng hiện cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp đều đang lúng túng khi còn có nhiều bất đồng quanh việc giữ hay bỏ thông tư này.

Thông tư 20: Bãi bỏ hay nâng cấp thành nghị định?

Phát biểu tại tọa đàm do BizLive tổ chức mới đây, với quan điểm giữ Thông tư 20, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc chi nhánh Audi Hà Nội đã đưa ra một loạt những lý do như: Nếu có Thông tư 20, giá xe sẽ rất rõ ràng, tất cả sẽ được niêm yết; Các hãng xe chính hãng có mạng lưới bảo hành toàn quốc, theo đúng tiêu chuẩn và trang thiết bị đắt tiền; Khi mua xe chính hãng được hưởng chất lượng cao nhất và đảm bảo tính mạng an toàn giao thông; Các loại xe nhập khẩu về phải phù hợp với điều kiện của khu vực đó, cả về điều kiện môi trường, nhiên liệu…Tất cả sẽ đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Đối với Chính phủ, giữ Thông tư 20 sẽ đảm bảo thông tin giá cả chuẩn xác không có chuyện khai man trốn thuế và giúp ích cho việc thu thuế, làm tăng nguồn thu cho ngân sách. Ông Dũng cũng cho rằng hiện tại, trên thế giới có vấn đề cam kết về sở hữu trí tuệ khi sử dụng logo, thương hiệu,… vì vậy, khi để thị trường manh mún và nhỏ lẻ sẽ ảnh hưởng đến vấn đề này.

Ở chiều ngược lại, có khá nhiều ý kiến đề nghị bãi bỏ Thông tư 20. Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chính thức có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Thông tư 20.

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng không nên nâng Thông tư 20 thành một nghị định, mà để cho thông tư này hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016. Lý do được ông Mại đưa ra là từ khi có Thông tư 20 đến nay, số lượng ô tô nhập khẩu chưa giảm. Nhờ Thông tư này, chất lượng xe có tăng không? Thực tế là không. Thông tư này chỉ làm thiệt hại cho đối tượng các chủ gara ô tô. Ông Mại cho rằng, các quy định tại Thông tư 20 đã trao quyền quyết định thị trường xe nhập khẩu cho các hãng ô tô nước ngoài. Thông thường, nhà sản xuất sẽ chỉ chọn một công ty để phân phối sản phẩm cho một thị trường. Qua đó, họ có thể "ép giá", hoặc đưa ra các điều kiện với các DN Việt Nam và gián tiếp lũng đoạn thị trường.

Ông Nguyễn Tuấn, giám đốc công ty TNHH Thiên Phúc An, cho rằng những hệ quả và bài học về Thông tư 20 thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã “thấm” trong hiện tại và quá khứ. Nếu nói về thuế thì đã có các cơ nhà nước cụ thể là hải quan quản lý. Còn về an toàn giao thông thì chưa có bằng chứng xác thực nào về việc an toàn giao thông là do xe nhập khẩu không chính hãng gây nên, mà do con người. Do đó, không thể dẫn lý do về thuế thấp hoặc lý do an toàn để hạn chế nhập khẩu xe.

Trong khi đó, của ông Nguyễn Đức Dư Khương, Giám đốc chi nhánh Porsche Hà Nội đã nêu ý kiến rằng vấn đề giữ hay bỏ Thông tư 20 hiện không còn quan trọng nữa, vì Thông tư 20 đã hết hiệu lực rồi. Xét về tương lai lâu dài, không nên giữ các điều khoản trong Thông tư 20, để cho các doanh nghiệp đều có cùng cơ hội. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu không giữ các điều kiện đó thì sẽ có bất cập cho người tiêu dùng, các hãng xe và Nhà nước.

Ông Khương cũng nêu quan điểm sẵn sàng ủng hộ việc bãi bỏ các điều kiện như đã nêu trong Thông tư 20, miễn sao pháp luật của Chính phủ phải đảm bảo công bằng, minh bạch cho tất cả các doanh nghiệp.

Liên quan đến Thông tư 20, hiện Bộ Công Thương đang tổng hợp để báo cáo Thủ tướng. Trên cơ sở báo cáo tổng hợp và đề xuất của Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan, Thủ tướng sẽ xem xét, có ý kiến chỉ đạo trên quan điểm bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thực tế hoạt động kinh doanh nhập khẩu ô tô tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tư 20: Bãi bỏ hay nâng cấp thành nghị định?