Theo Bộ Công Thương, thị trường thép không gỉ cán nguội của Việt Nam trước đây chỉ có sự tham gia của công ty Posco cùng một số công ty quy mô nhỏ khác, nay đã bắt đầu có sự tham gia của các DN lớn trong nước.
Bộ Công Thương thông tin trong thời gian vừa qua, cơ quan này nhận được một số thông tin phản ánh về việc thị trường thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam đang có dấu hiệu độc quyền, bị thao túng về giá, chất lượng với nguyên nhân là do Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá) một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ năm 2014.
Biện pháp phòng vệ thương mại
Để phản hồi các nội dung phản ánh trên, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) – Bộ Công Thương khẳng định chống bán phá giá là biện pháp phòng vệ thương mại được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các thành viên áp dụng trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Chống bán phá giá không phải là biện pháp bảo hộ mà nhằm đảm bảo điều kiện thương mại công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, do đó thuế CBPG chỉ áp dụng đối với hàng hóa của các nước có các doanh nghiệp bán phá giá. Điều này thể hiện ở việc mức thuế chống bán phá giá với các doanh nghiệp là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ bán phá giá trong từng giai đoạn.
Ảnh minh họa
Việc tiếp nhận hồ sơ, quy trình thẩm định, tiến hành điều tra cũng như áp dụng biện pháp chống bán phá giá tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO (ADA) và Luật Quản lý ngoại thương. Việc thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại nói chung và chống bán phá giá nói riêng độc lập với việc thực thi quy định của Luật Cạnh tranh về vấn đề chống độc quyền và lạm dụng vị trí thống lĩnh.
Mức thuế chống bán phá giá của từng nhà sản xuất nước ngoài được xác định theo phương pháp tính toán quy định bởi WTO, căn cứ trên số liệu thực tiễn của nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài đệ trình và được Cơ quan điều tra thẩm tra, xác minh. Do đó, mức thuế này không phải là mức thuế áp dụng theo đề xuất của ngành sản xuất trong nước hay theo ý kiến chủ quan của Cơ quan điều tra.
Theo Bộ Công Thương, căn cứ ban hành Quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất phát từ ngày 6/5/2013, Bộ Công Thương nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội (còn gọi là thép inox) nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan (Đài Loan).
Kết quả điều tra cho thấy: có hành vi bán phá giá của các nhà sản xuất thép inox của 4 nước/vùng lãnh thổ nêu trên; ngành sản xuất trong nước đang bị thiệt hại đáng kể và có mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá thép inox và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Do đó, ngày 5/9/2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ từ 4 nước/vùng lãnh thổ trên nhập khẩu vào Việt Nam.
Không tạo độc quyền
Bộ Công Thương dẫn thông tin của Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết hiện nay Việt Nam có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cán nguội cán phẳng dạng cuộn/tấm, trong đó một số doanh nghiệp sản xuất chủ yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội bộ (dùng để sản xuất ống thép, bình đựng nước và các sản phẩm khác) mà không bán ra thị trường hoặc chỉ bán với số lượng rất ít. Sản lượng năm 2018 của Công ty TNHH POSCO VST (Posco) chiếm dưới 50% tổng sản lượng của ngành (kể cả phục vụ tiêu dùng nội bộ). Trong thời gian tới, năng lực sản xuất thép không gỉ trong nước sẽ tăng thêm khoảng 400.000-500.000 tấn/năm bởi các nhà máy thép không gỉ mới như Nguyễn Minh (trên 200.000 tấn/năm), Việt Quang....
Bộ Công Thương khẳng định chống bán phá giá chỉ áp dụng với thép inox của Trung Quốc, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia và Đài Loan. Các sản phẩm thép inox từ các nước khác vẫn có thể nhập khẩu vào Việt Nam mà không bị áp thuế chống bán phá giá.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau khi biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đến nay, thép inox vẫn tiếp tục được nhập khẩu từ 4 nước/vùng lãnh thổ bị áp thuế cũng như từ các nước khác. Tổng lượng nhập khẩu thép không gỉ cán nguội từ tất cả các nguồn sau khi có biện pháp CBPG vẫn tăng so với giai đoạn trước khi áp thuế chống bán phá giá, ví dụ như thép inox đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Như vậy, người sử dụng thép inox tại Việt Nam có nhiều sự lựa chọn khác nhau ngoài nguồn sản xuất trong nước.
Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn điều tra gần nhất (từ ngày 01 tháng 7 năm 2017 tới ngày 30 tháng 6 năm 2018), nhập khẩu thép inox vẫn chiếm tới 57,2% tổng tiêu thụ trong nước (trong đó nhập khẩu từ các nước không bị áp thuế chống bán phá giá chiếm 68,5% tổng nhập khẩu), sản xuất trong nước chỉ chiếm 42,8% tiêu thụ trong nước.
“Cùng với việc sản lượng của doanh nghiệp lớn nhất chiếm dưới 50% sản lượng trong nước thì không có cơ sở để nhận định ngành sản xuất trong nước hay một doanh nghiệp sản xuất nào đó “độc quyền” về nhóm sản phẩm này. Riêng đối với sản phẩm thép không gỉ khổ rộng (từ 1.200 mm trở lên), số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy Việt Nam vẫn đang nhập khẩu loại sản phẩm này với tỉ lệ khoảng 25% tổng nhập khẩu thép không gỉ cán nguội vào Việt Nam năm 2018”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Biểu đồ cho thấy thị phần của Posco không biến động quá lớn kể từ khi biện pháp chống bán phá giá được áp dụng. Như vậy, không có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp của Bộ Công Thương làm tăng vị thế của Posco trên thị trường thép không gỉ cán nguội.
Cục Phòng vệ thương mại khẳng định, sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá từ tháng 10 năm 2014, ngành sản xuất trong nước bắt đầu phục hồi và dần tăng trưởng. Nếu không có biện pháp chống bán phá giá, với việc hàng nhập khẩu gia tăng ồ ạt vào Việt Nam thì ngành sản xuất trong nước khó có thể tồn tại và phát triển. Có thể thấy, thị trường thép không gỉ cán nguội của Việt Nam trước đây chỉ có sự tham gia của công ty Posco cùng một số công ty quy mô nhỏ khác, nay đã bắt đầu có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong nước.
Bộ Công Thương thông tin trong quá trình điều tra, áp dụng biện pháp, đã cân nhắc, xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép không gỉ cán nguội làm nguyên liệu đầu vào mà trong nước chưa sản xuất được hoặc chưa đáp ứng nhu cầu nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, xem xét các phản ánh liên quan tới độc quyền thao túng giá theo đúng quy định của Luật Cạnh tranh và xử lý theo quy định của pháp luật.