Thông qua Tờ trình về việc thành lập 12 TAND cấp huyện trên địa bàn mới chia tách, thành lập mới

Nguyên Bình| 15/07/2015 05:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 14/7, UBTVQH đã cho ý kiến vào Tờ trình của của Chánh án TANDTC về việc thành lập TAND một số huyện, thị xã thuộc tỉnh;

Tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC về chế độ phụ cấp lãnh đạo, quản lý; bổ sung biên chế, chế độ tiền lương và phụ cấp của chức danh pháp lý; chế độ cấp phát và sử dụng trang phục của VKSND; việc thành lập VKSND ở một số đơn vị hành chính cấp huyện vừa được chia tách, thành lập mới.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân đã trình bày Tờ trình của TANDTC về việc thành lập TAND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Theo đó, TANDTC đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định thành lập mới 5 TAND cấp huyện và thành lập 7 TAND cấp huyện trên cơ sở các TAND cấp huyện hiện nay.

Cụ thể, 5 TAND cấp huyện được đề nghị thành lập mới bao gồm: TAND huyện Ia H,Drai, tỉnh Kon Tum; TAND huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước; TAND thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh; TAND thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

7 TAND cấp huyện đề nghị thành lập trên cơ sở các TAND cấp huyện hiện nay, bao gồm: TAND thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên; TAND TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; TAND thị xã Đông Triều, Quảng Ninh; TAND thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu; TAND thị xã Điện Bàn, Quảng Nam; TAND TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn; TAND TP. Tam Điệp, Ninh Bình.

Biên chế của TAND cấp huyện nêu trên do Chánh án TANDTC phân bổ trên cơ sở biên chế của TAND cấp huyện do UBTVQH quyết định tại Nghị quyết số 47a/NQ-UBTVQH 2013.

Thông qua Tờ trình về việc thành lập 12 TAND cấp huyện trên địa bàn mới chia tách, thành lập mới

Toàn cảnh phiên họp thứ 39 UBTVQH 

Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Tư pháp (UBTP) nhận thấy, hồ sơ TANDTC trình cơ bản đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, quyết định. Tuy nhiên, để có đầy đủ căn cứ đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong việc thành lập TAND thì đề nghị TANDTC xây dựng đề án thành lập các TAND cấp huyện.

UBTP tán thành với Tờ trình của Chánh án TANDTC với đề nghị UBTVQH quyết định thành lập mới 5 TAND cấp huyện và 7 TAND thị xã, thành phố thuộc tỉnh trên cơ sở các TAND huyện, thị xã hiện có.

UBTP cũng tán thành với TANDTC nêu phương án tổng thể về biên chế “Biên chế của các TAND cấp huyện nói trên do Chánh án TANDTC phân bổ trên cơ sở tổng biên chế của TAND cấp huyện do UBTVQH quyết định tại Nghị quyết số 743a/NQ-UBTVQH13 ngày 28/3/2012 về tổng biên chế và số lượng Thẩm phán của TAND, Tòa án quân sự các cấp” là thể hiện đúng Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “bảo đảm không tăng biên chế của cả hệ thống chính trị. Trường hợp phải thành lập các tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì cơ quan, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế hiện có”; “thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, tinh gọn, ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ”. Đồng thời, TANDTC cần bảo đảm đầy đủ các điều kiện cho các TAND mới được thành lập hoạt động ổn định, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Về bảo đảm các điều kiện cho Tòa án hoạt động, UBTP nhận thấy, về cơ bản, TANDTC đã có phương án bố trí nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các TAND huyện, thị xã căn cứ vào tính toán, dự báo số lượng các vụ án và các việc khác không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tuy nhiên, có một số đơn vị khi thành lập hoặc sau khi chuyển trụ sở, trang thiết bị, phương tiện cho đơn vị thành lập mới thì các đơn vị này khó khăn về trụ sở làm việc, phải đi thuê hoặc sử dụng tạm trụ sở do UBND huyện, thị xã bố trí hoặc đang chờ cấp đất và xin kinh phí xây dựng trụ sở. UBTP đề nghị TANDTC quan tâm những đơn vị này, phối hợp với địa phương để bố trí mặt bằng xây dựng trụ sở, sớm triển khai, đầu tư mua sắm trang thiết bị để Tòa án có đủ điều kiện hoạt động.

Tại phiên họp, UBTVQH cũng đã cho ý kiến Tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC về việc ban hành các Nghị quyết về việc thành lập 10 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 5 đơn vị được thành lập mới do điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị cấp huyện hiện có (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; huyện Ia H’Drai tỉnh KonTum; thị xã Duyên Hải tỉnh Trà Vinh; thị xã Long Mỹ tỉnh Hậu Giang; huyện Phú Riềng tỉnh Bình Phước), 5 đơn vị được thành lập trên cơ sở các huyện, thị xã hiện có (thị xã Phổ Yên và TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn; TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình).

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành với việc thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện của TAND và VKSND. Các đại biểu cũng lưu ý khi thành lập những đơn vị hành chính này, việc phân bổ biên chế phải sắp xếp sao cho hợp lý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, căn cứ vào nhu cầu thực tế thành lập các Tòa án cấp huyện và thành phố, không nên dùng thuật ngữ “thành lập mới” hay “nâng cấp”.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, theo tinh thần tổ chức TAND và VKSND, việc thành lập các Tòa án, VKSND cấp huyện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, hiện tại, TANDTC trình đề nghị thành lập 12 TAND trên 12 đơn vị hành chính mới được thành lập, nhưng VKSND mới trình có 10 đơn vị. Vì vậy, đề nghị VKS rà soát lại vấn đề này, các đơn vị hành chính cần thống nhất trên địa bàn. Bố trí biên chế trong tổng số biên chế mà Quốc hội đã giao cho...

UBTVQH đã biểu quyết thông qua chủ trương về việc thành lập TAND, VKSND cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Tờ trình về việc thành lập 12 TAND cấp huyện trên địa bàn mới chia tách, thành lập mới