Với 456/459 ĐBQH có mặt tán thành (đạt tỷ lệ 99,34%), sáng 19/2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua và được thực hiện đến hết ngày 28/2/2027.
Nghị quyết gồm 15 điều, quy định về việc xử lý các vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bao gồm: nguyên tắc xử lý, thay đổi tên gọi cơ quan, chức danh có thẩm quyền, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Nghị quyết áp dụng cho các trường hợp chưa được quy định trong văn bản pháp luật hiện hành (trừ Hiến pháp). Khi sắp xếp lại tổ chức, tên gọi cơ quan, chức danh được chuyển đổi theo đơn vị tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ. Các cơ quan có thay đổi phải thực hiện thủ tục đăng ký, thu hồi con dấu theo quy định.
Về thủ tục hành chính, các cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo hoạt động không gián đoạn, không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ hoặc thực hiện lại các bước đã hoàn thành trước đó.
Nghị quyết quy định rõ, Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, ban hành văn bản giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng Kiểm toán nhà nước, HĐND, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, ban hành văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.