Với 449/456 đại biểu, tương đương 91,08% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết đã tán thành thông qua dự thảo Nghị quyết.
Các đại biểu Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết. Ảnh Quốc hội
Sáng 22/11, thực hiện chương trình kỳ họp thứ 2, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Chính phủ thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam
Với 91, 08% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Việc thí điểm cấp thị thực điện tử được thực hiện trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2017. Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2018. Người nước ngoài đề nghị cấp thị thực không phải là thị thực điện tử thực hiện theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thị thực điện tử là loại thị thực do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài đang ở nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam. Thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày.
Việc thí điểm cấp thị thực điện tử áp dụng đối với công dân của nước có đủ các điều kiện sau đây: Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử phải có hộ chiếu và không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử, sau khi nhập cảnh Việt Nam, nếu đề nghị cấp thị thực mới thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, đối tượng được cấp thị thực điện tử như dự thảo Nghị quyết là quá rộng và đề nghị chỉ thực hiện thí điểm đối với công dân một số nước theo nguyên tắc có đi có lại, hoặc nước có quan hệ truyền thống với Việt Nam, hoặc một số khu vực, quốc gia nhất định. Tiếp thu ý kiến này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý nội dung này theo hướng chỉ áp dụng cấp thị thực điện tử đối với công dân của những nước có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết. Đối với ý kiến đề nghị không áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước mà hiện nay ta đang miễn thị thực và đơn phương miễn thị thực, vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu việc thực hiện Nghị quyết không ảnh hưởng đến việc thực hiện Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, quy định về miễn thị thực và đơn phương miễn thị thực vẫn tiếp tục được áp dụng như hiện nay. Xung quanh ý kiến cho rằng, việc người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử sẽ khó khăn trong việc xử lý đối với trường hợp sử dụng hộ chiếu nhập cảnh mà hộ chiếu đó ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mẫu thị thực điện tử ban hành kèm theo dự thảo Nghị định trong hồ sơ dự thảo Nghị quyết tương tự như mẫu thị thực rời. Khi người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh Việt Nam, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh làm thủ tục đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh, xuất cảnh như đối với thị thực rời, không làm thủ tục gì vào hộ chiếu.
Thông qua dự án Luật sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật đầu tư
Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư đã được Quốc hội thông qua với 83,16% đại biểu tán thành.
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị không bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề Kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô; Kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giữ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề này như dự án Luật. Về ý kiến đề nghị không bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề Kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản; Nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản và Nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện đã có quy định quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vì vậy đề nghị không quy định điều kiện đối với các ngành, nghề này. Có ý kiến đề nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề Khai thác thủy sản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng khai thác thủy sản trên biển có liên quan đến các vùng biển Việt Nam và quốc tế, phải đáp ứng các quy định về Giấy phép khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam, đáp ứng điều kiện khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như trong dự án Luật. Đối với đề nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề Xuất khẩu gạo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu xuất khẩu gạo là một ngành đặc thù, liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, việc xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu gạo của Việt Nam trên thị trường gạo quốc tế, hơn nữa để đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất lúa với doanh nghiệp xuất khẩu thì xuất khẩu gạo cần phải được quản lý chặt chẽ, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như trong dự án Luật.
Về việc hợp nhất một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị không hợp nhất các ngành, nghề Kinh doanh dịch vụ xét nghiệm HIV; Kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi; Kinh doanh dịch vụ xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm; Kinh doanh dịch vụ tiêm chủng; Kinh doanh dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ vào ngành, nghề Kinh doanh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; có ý kiến đề nghị không hợp nhất ngành, nghề Hoạt động của cơ sở phân loại trang thiết bị y tế, Kinh doanh dịch vụ kiểm định trang thiết bị y tế vào Kinh doanh trang thiết bị y tế để tránh hiểu nhầm, khó áp dụng trong thực tế. Tiếp thu các ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ các ngành, nghề trên như Danh mục hiện hành.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, trừ quy định tại khoản 2 Điều này. Quy định về các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sau đây có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017: Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô. Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại khoản này.