Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Xuân Lan| 19/06/2020 15:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với 87,37% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vào chiều ngày 19/6.

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Theo kết quả biểu quyết tại hội trường, 87,37% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật này.

Trước đó, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ một số nội dung đáng chú ý:

Về đại biểu Quốc hội: Theo quy trình bầu cử hiện nay, bên cạnh những người tự ứng cử thì phần lớn người tham gia ứng cử là đại diện do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương lựa chọn, giới thiệu ứng cử để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội.

Đối với mỗi loại cơ quan, tổ chức, đơn vị thì hiện đã có những quy định riêng của Đảng, quy định của từng cơ quan, tổ chức trong việc xác định tiêu chuẩn, điều kiện khi xem xét, lựa chọn nhân sự.

Để nâng cao chất lượng của ĐBQH nói chung thì từng cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc sàng lọc, lựa chọn, giới thiệu đại diện tiêu biểu, ưu tú nhất của mình tham gia ứng cử ĐBQH để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm ĐBQH. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép không bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật.

Đối với số lượng ĐBQH chuyên trách: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% đã thể hiện sự cân nhắc, tính toán kỹ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, trong thời gian tới, Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV sẽ cụ thể hóa các nội dung liên quan cũng như xem xét việc bố trí hợp lý số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ở từng địa phương.

Về Đoàn đại biểu Quốc hội: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, từ khi được ghi nhận trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960 đến nay, Đoàn ĐBQH đã phát huy vai trò tổ chức, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các ĐBQH thực hiện nhiệm vụ đại biểu tại địa phương, đồng thời giúp duy trì mối quan hệ gắn kết giữa Quốc hội với địa phương, là nơi tập hợp kiến nghị, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cả chính quyền và cử tri địa phương đến với Quốc hội.

Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; ở địa phương có HĐND là cơ quan đại diện của Nhân dân địa phương, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Vì vậy, nếu xác định Đoàn ĐBQH là cơ quan của Quốc hội ở địa phương thì sẽ không phù hợp. Mặc dù Đoàn ĐBQH có một số nhiệm vụ nhất định trong việc tổ chức để ĐBQH trong đoàn tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến về các dự án luật và công tác giám sát theo chương trình, kế hoạch chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, song việc thực hiện nhiệm vụ của Đoàn phải bảo đảm không trùng lắp hay làm thay nhiệm vụ của cơ quan dân cử khác. Tinh thần này cũng phù hợp với Nghị quyết số 18/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH như Luật hiện hành.

Về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật: Có ý kiến đề nghị Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 để có cơ sở pháp lý áp dụng trong quá trình chuẩn bị nhân sự bầu cử ĐBQH khóa XV. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến này là hợp lý và xin được tiếp thu, chỉnh lý lại quy định tại Điều 2 của dự thảo Luật.

Ngoài những nội dung đã tiếp thu, giải trình trên đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các vị ĐBQH, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp, rà soát về ngôn ngữ đối với các quy định trong dự thảo Luật. Với Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội