Chiều nay (20/6), Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 với 434/457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 88,39% tổng số đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ngày 24/5/2017, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Ngày 27/5/2017, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì Hội nghị góp ý về dự thảo Luật để các vị đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan tiếp tục thảo luận góp ý cho dự án Luật này. Trên cơ sở ý kiến thảo luận và ý kiến góp ý bằng văn bản của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan hữu quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua.
Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm
Về sửa đổi, bổ sung Điều 19 - Không tố giác tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 2015, có ý kiến đề nghị giữ phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa như Bộ luật Hình sự năm 2015 để bảo đảm nhất quán về chính sách hình sự của Nhà nước ta, tăng cường trách nhiệm công dân của người bào chữa trong công tác đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng. Có ý kiến đề nghị quy định chính sách đối với người bào chữa tương tự như chính sách đối với ông, bà, cha, mẹ, anh chị em ruột... của người phạm tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Có ý kiến đề nghị chỉ nên giới hạn Luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội và đang thực hiện tội phạm nhằm ngăn ngừa hậu quả xảy ra và chỉ đối với một số tội nhất định mà không mở rộng sang cả giai đoạn tội phạm đã thực hiện. Có ý kiến đề nghị không quy định Luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm
Giải trình về vấn đề này, báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ, năm 2015, cân nhắc đặc thù của hoạt động bào chữa, mối quan hệ giữa người bào chữa với người được bào chữa nên tại Bộ luật Hình sự năm 2015, Quốc hội đã có sự điều chỉnh hợp lý hơn chính sách này theo hướng thu hẹp một phần phạm vi trách nhiệm hình sự của người bào chữa so với công dân khác trong việc không tố giác tội phạm.
Việc Nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng nên trong một số trường hợp người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa. Do đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã xác định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa thực hiện đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng (ở cả 3 giai đoạn: chuẩn bị phạm tội, đang thực hiện tội phạm và đã thực hiện tội phạm), còn đối với các tội khác được quy định tại Điều 389 thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự ở 02 giai đoạn chuẩn bị phạm tội và đang thực hiện tội phạm; không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với giai đoạn đã thực hiện tội phạm.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu một phần ý kiến của đại biểu Quốc hội, của Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam để chỉnh lý khoản 3 Điều 19 của Bộ luật Hình sự 2015 theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm.
Trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
Liên quan đến quy định về trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự năm 2015, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình là không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng đối với các tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141), Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169). Một số ý kiến đề nghị giữ khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015 vì cho rằng, tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện thời gian qua có chiều hướng gia tăng, cần phải xử lý nghiêm.
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật
Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, trong lần sửa đổi này, xuất phát từ chính sách nhân đạo và yêu cầu phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên, cũng như theo đề nghị của nhiều cơ quan, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại 28 điều luật cụ thể liệt kê tại khoản 2 Điều 12 để bảo đảm tính nhất quán trong chính sách hình sự, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Sau nhiều phiên thảo luận, tại Kỳ họp thứ 3, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội vẫn còn khác nhau. Theo chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. Kết quả cho thấy, có 276/435 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tán thành với việc quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 2 Điều 12. Do đó, tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Bộ Luật sửa đổi khoản 2 Điều 12; đồng thời cũng sửa đổi các điều 91, 93, 94, 95 và 100 cho phù hợp với quy định tại Điều 12.
Bổ sung Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp
Trình bày báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ lợi dụng kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho hàng chục nghìn người, gây bức xúc trong xã hội. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống loại hành vi này về mặt hình sự, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã quy định xử lý hình sự trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung của giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nếu thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Trường hợp người nào lợi dụng việc kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không xử lý về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp mà sẽ xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), nếu có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì sẽ xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290).
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Có hiệu lực từ 1/1/2018
Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã được 439 đại biểu tán thành thông qua, chiếm tỷ 89,41%. Nghị quyết gồm 5 Điều.
Theo Nghị quyết, kể từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam sẽ có hiệu lực thi hành. Các quy định tại Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự có ghi thời điểm ''ngày 01 tháng 7 năm 2016'' được thay thế bằng thời điểm "ngày 01 tháng 01 năm 2018'', thời điểm ''ngày 01 tháng 01 năm 2019'' được thay thế bằng thời điểm ''ngày 01 tháng 01 năm 2020''.
Quốc hội giao Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự tại Mục 2 Chương XII của Bộ luật Hình sự năm 2015; quy định về việc định giá đối với hàng hóa Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng hoặc hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam; quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại điểm k khoản 2, điểm e khoản 3, điểm đ khoản 4 Điều 248, điểm i khoản 1, điểm n khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 249, điểm i khoản 1, điểm o khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 250, điểm p khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 251 và điểm i khoản 1, điểm n khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
TANDTC thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các quy định về “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; khi cần thiết, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các điều, khoản, điểm khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp tổ chức rà soát các văn bản có liên quan để kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Bộ luật Hình sự trong nhân dân, cán bộ, công chức và viên chức, nhằm góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Bộ luật này trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/7/2017.