Sáng nay (27/11), Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi (BLHS) với tỷ lệ 84,01% số đại biểu có mặt tán thành. BLHS gồm 3 phần, 26 Chương và 426 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
BLHS có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt. Theo đó, BLHS (sửa đổi) được thông qua có nhiều điểm đáng chú ý.
Quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân
Báo cáo giải trình tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận định: Quy định TNHS của pháp nhân là nội dung mới trong lần sửa đổi này. Đây là vấn đề đã được Chính phủ nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn. Việc bổ sung quy định này vào BLHS là cấn thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Kết quả lấy ý kiến nhân dân và ĐBQH bằng phiếu cho thấy, đa số đều tán thành việc bổ sung quy định TNHS và phạm vi chịu TNHS của pháp nhân như dự thảo BLHS.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội bổ sung vào dự thảo BLHS quy định về TNHS của pháp nhân.
Người đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS
Trước đó, khi thảo luận nội dung này, nhiều ý kiến tán thành với việc phải quy định TNHS đối với người ở lứa tuổi trên, tuy nhiên, cần quy định cụ thể các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS, nhưng đề nghị rà soát để tránh bỏ lọt tội phạm.
Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo giải trình tiếp thu của UBTVQH trước khi thông qua BLHS
Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng: Việc quy định cụ thể các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS nhằm bảo đảm tính minh bạch, nhân đạo trong xử lý đối với đối tượng này theo tinh thần của Hiến pháp và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Quy định như dự thảo còn có tác dụng phòng ngừa tội phạm đối với người chưa thành niên. Do đó, đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo loại ý kiến thứ nhất, đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát khoản 2 Điều 12 để bổ sung thêm các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS gồm: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội mua bán người (Điều 150); Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151); Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265).
Bỏ hình phạt tử hình một số tội danh
Báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, qua thảo luận tại tổ và tại hội trường, đa số ĐBQH cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc giảm hình phạt tử hình là cần thiết. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh như Dự thảo BLHS.
Theo giải trình của UBTVQH: Đối với Tội cướp tài sản, nếu hành vi phạm tội cố ý xâm phạm tính mạng của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị xử lý về Tội cướp tài sản và Tội giết người (đã có hình phạt tử hình); đối với Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, nếu không có mục đích chống chính quyền Nhân dân thì việc quy định hình phạt tù 20 năm, tù chung thân cũng là nghiêm khắc và đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm. Trường hợp phạm tội có mục đích chống chính quyền nhân dân thì sẽ bị truy cứu TNHS về Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì sẽ bị truy cứu TNHS về Tội khủng bố (Điều 299), các tội danh này thuộc Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia và đều có hình phạt cao nhất là tử hình. Do vậy, không nhất thiết phải giữ hình phạt tử hình ở Điều 168 và Điều 303.
Bộ luật cũng quy định về việc không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên. Điều đó thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước.
Đồng thời, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý điểm c khoản 3 Điều 40 theo hướng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Vấn đề này, Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện cho biết, Đoàn thư ký kỳ họp cũng đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH, kết quả cho thấy, đa số ĐBQH tán thành quy định này. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 dự thảo.