Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017, một thông điệp quan trọng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi đến cộng đồng doanh nghiệp.
Đó là coi "mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là lá phiếu ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng phát triển trong ngôi nhà chung Việt Nam".
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch VBF 2017 Vũ Tiến Lộc cho rằng, trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ đã có các Nghị quyết 19; Nghị quyết 35 và nhiều chương trình hành động khác thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, Chính phủ đã đề ra các mục tiêu: Không thanh tra, kiểm tra chồng chéo, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự, thực hiện Chính phủ điện tử, cắt giảm tối thiểu 30-50% các điều kiện, thủ tục hành chính…
Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2017
Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, ông Lộc cũng cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và chặng đường cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn rất gian nan. Thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Khoảng cách về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh của Việt Nam và 3 nền kinh tế dẫn đầu ASEAN vẫn còn xa. Nhiều loại chi phí kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn cao và đang có xu hướng gia tăng. Điều kiện kinh doanh còn nhiều cản trở. Thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vẫn còn phức tạp, chưa được cắt giảm như mong muốn.
Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh hơn nữa tốc độ cải cách, cụ thể là cắt giảm mạnh hơn nữa, minh bạch hơn nữa các thủ tục hành chính. Các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế tư nhân của Đảng cần được Chính phủ cụ thể hoá thông qua các chỉ tiêu định lượng, đồng thời có ràng buộc trách nhiệm đối với các cấp chính quyền và người đứng đầu trong khâu thực hiện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, môi trường kinh doanh có cải thiện nhưng trong bộ máy vẫn có hiện tượng "trên nóng dưới lạnh, trên chuyển, dưới không chuyển", gây khó hiểu và khó khăn cho doanh nghiệp khi thực thi chính sách. Thực tế, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều biện pháp khắc phục vấn đề này như có Tổ công tác liên bộ, thực hiện việc đôn đốc phối hợp giữa các bộ để tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vướng mắc.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính hiện hành trong lĩnh vực quản lý đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành, về phía mình, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực hơn trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp; chăm lo đào tạo phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và quy định của pháp luật; bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; bảo đảm về môi trường và phát triển bền vững, vì một ngôi nhà chung Việt Nam như thông điệp của Thủ tướng.