Xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc

Ngọc Mai| 02/08/2020 21:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh nội dung trên tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, diễn ra ngày 2/8.

Xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Đã triển khai biện pháp mạnh, Tập trung tối đa nhân lực, phương tiện vào Đà Nẵng

Tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, số lượng, số ca mắc COVID-19 đợt này tăng nhanh. Kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao.

Cụ thể, về chỉ số lây nhiễm, lần này rơi vào khoảng 5-6, trong khi đó lần trước chỉ khoảng 1,8 – 2,2. Bên cạnh đó, lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng. Thực tế ở Đà Nẵng đã ghi nhận 6 ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây.

Đặc biệt lần này tỷ lệ F2 bị nhiễm cũng nhiều. Bên cạnh đó, có số lượng người lớn đi đến từ Đà Nẵng, đi đến các bệnh viện ở Đà Nẵng. Từ 1/7 đến nay, các cơ quan chức năng xác định có khoảng 1,4 triệu người.

Tâm dịch lớn nhất là ở cụm Bệnh viện tại Đà Nẵng (800.000 người đi qua khu vực này. Có khoảng 42.000 người đã từng đến đây chữa bệnh). Tới đây, chúng ta sẽ phát hiện thêm ca mắc ở một số  địa phương khác.

Những ngày qua, Bộ Y tế đã triển khai mạnh mẽ mọi biện pháp. Tập trung tối đa nhân lực, phương tiện vào Đà Nẵng, lập bộ phận thường trực đặc biệt,… tập trung chống dịch nhằm nhanh chóng kiểm soát được tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong,… Để thực hiện được điều này, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng, phải thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ cùng với ngành y tế, các địa phương và lực lượng khác cũng phải đồng hành vào cuộc.

Cần nâng mức đề phòng của toàn xã hội

Giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo mạnh mẽ giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng như thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn; hạn chế tập trung nơi đông người; bố trí nước sát khuẩn tại các khu chung cư, văn phòng làm việc…

“Tất cả các biện pháp nhằm tạo lại nền cho cộng đồng phòng bệnh, tránh lây lan trong cộng đồng," ông Trần Đắc Phu cho biết.

Do tình hình ca nhiễm F1 ngày càng tăng, Cục trưởng Cục Quân Y, Bộ Quốc Phòng Nguyễn Xuân Kiên đề xuất khi hết chỗ cách ly tập trung, cho phép các ca F1 cách ly và lấy mẫu xét nghiệm sớm tại nhà; đồng thời, phong tỏa những địa điểm có đông ca F1.

Bên cạnh việc đề xuất thành lập bệnh viện dã chiến để cách ly tập trung và điều trị những ca F1 nhẹ, Cục trưởng Nguyễn Xuân Kiên đề nghị các bệnh viện kích hoạt lại hệ thống khám chữa bệnh từ xa; đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, điểm nổi bật trong công tác phòng chống dịch những ngày qua  là chúng ta đang dồn lực để xử lý những điểm nóng, tuy nhiên cần hết sức chú ý đến nền dự phòng bởi mỗi người dân là 1 chiến sĩ chống dịch, nhưng hiện nhiều người có biểu hiện chủ quan. Do vậy, chúng ta cần nâng mức đề phòng của toàn xã hội. Mỗi người dân đều phải chủ động phòng dịch, thay vì thụ động, xảy ra cái gì làm cái đó.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, so với diễn biến ổ dịch Bạch Mai, tình hình ở Đà Nẵng số ca mắc COVID-19 tăng nhanh hơn trong một thời gian ngắn, dịch bệnh từ Đà Nẵng đã lây ra một số tỉnh thành...

Do đó, chúng ta phải cần triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, cần giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các địa phương trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tại cuộc họp, các thành viên thống nhất đề xuất quy trình: Ban Chỉ đạo Quốc gia căn cứ vào đề nghị của các tỉnh, thành phố; cơ quan thường trực Bộ Y tế để trình Thủ tướng phân loại các địa phương theo 3 mức độ khác nhau: nguy cơ thấp; nguy cơ; nguy cơ cao. Các ý kiến cũng cho rằng xét trên tình hình thực tế, Đà Nẵng và Quảng Nam coi như thuộc nhóm có nguy cơ cao. 

Tiếp tục siết toàn bộ hệ thống chống dịch các ngành y tế, quân đội, công an

Phát biểu kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục siết toàn bộ hệ thống chống dịch các ngành y tế, quân đội, công an; đồng thời lưu ý việc rà soát, bảo vệ đối tượng người già, người có bệnh nền; rà soát lại quy trình khám chữa bệnh trong bệnh viện, chú ý bảo vệ, phòng thủ tại những khoa có bệnh nhân nặng.

Từ kinh nghiệm không giữ lại khách du lịch, tránh tình trạng quá tải ở Đà Nẵng trong thời gian qua, Phó Thủ tướng nêu rõ bên cạnh việc tập trung xử lý tâm dịch tại cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng, thời gian tới, mở rộng tập trung kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng ở Đà Nẵng cũng như các địa bàn đồng bằng thuộc tỉnh Quảng Nam; đề phòng nhiều người nhiễm trong cộng đồng được phát hiện.

Trên tinh thần cách ly tối đa ca F1, Phó Thủ tướng nêu rõ trong trường hợp hết khả năng cách ly tập trung sẽ hướng dẫn, xem xét, bổ sung phân loại nhằm cách ly F1 tại nhà (tùy vào điều kiện từng ca F1). Bên cạnh ý thức tự giác của người dân, lực lượng công an cần phối hợp với ngành y tế tăng cường kiểm soát, kiểm tra việc thực hiện cách ly tại nhà.

Trước tình hình thực tế đón người nước ngoài vào, người Việt Nam từ nước ngoài về, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi, bắt buộc tất cả người dân tải và sử dụng ứng dụng Bluezone (nhằm phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm qua điện thoại thông minh nhanh chóng, chính xác, ít tốn kém); ứng dụng NCOVI (nhằm khai báo y tế và theo dõi sức khỏe).

Yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Mỗi một người dân phải có trách nhiệm vì cộng đồng. Các cấp chính quyền có trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan."

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà; giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; hạn chế đến nơi đông người khi không cần thiết. Các phương tiện công cộng đảm bảo đúng các quy định an toàn dịch bệnh.

Đối với những tỉnh có nguy cơ cao, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Y tế rà lại quy định, trên tinh thần ưu tiên tổ chức kỳ thi an toàn trên hết; đồng thời đảm bảo cơ hội vào đại học theo nguyện vọng và năng lực của học sinh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc