Tin tưởng sẽ có sự bùng nổ làn sóng đầu tư mới của Canada vào Việt Nam

Xuân Lan| 10/06/2018 08:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi của Hiệp định CPTPP sắp có hiệu lực, sẽ có sự bùng nổ làn sóng đầu tư mới của Canada vào Việt Nam, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai nước, Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng.

Tin tưởng sẽ có sự bùng nổ làn sóng đầu tư mới của Canada vào Việt Nam

Thủ tướng với các doanh nghiệp Canada tại Tọa đàm

Trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị G7 mở rộng và thăm Canada, tại bang Québec, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Canada.

Đây là hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và Canada.

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Canada và Việt Nam tham dự hội nghị nhằm cùng trao đổi về cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng đã đưa ra một số định hướng lớn về phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017 đạt nhiều “kỷ lục”. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, mức cao nhất trong 10 năm, GDP đạt 240 tỷ USD, quy mô thương mại đạt 425 tỷ USD, thu hút FDI khoảng 37 tỷ USD. Việt Nam dần trở thành thị trường có sức mua lớn với thu nhập bình quân của 93 triệu dân đạt khoảng 2.400 USD (tính theo ngang giá sức mua là 6.800 USD). Quý I/2018, GDP của Việt Nam tăng 7,38%, cao nhất từ năm 2008. Ngân hàng ADB, WB vừa qua nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 là 6,5-7,1%.

Thứ hai, năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh được cải thiện căn bản. Các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như Eurocham, Jetro, Amcham, Cancham, Kocham… đều coi Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên trong ASEAN.

Dẫn chứng cho điều này, Thủ tướng đã đưa ra công bố của Ngân hàng Thế giới năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng 68/190 quốc gia (tăng 30 bậc so với 2012); theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năng lực cạnh tranh Việt Nam đứng thứ 55/137 nước. Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) Việt Nam 47/127 quốc gia.

Đến nay, Việt Nam đã thu hút được 325 tỷ USD vốn FDI đăng ký từ 127 quốc gia, đối tác. Trong đó, có rất nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tháng 5/2018, hãng Moody`s nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên triển vọng tích cực B1. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ BB- lên BB.

Thứ ba: Vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã vinh dự được là quốc gia khách mời dự họp tại G7 mở rộng tháng 5/2016, G20 mở rộng tháng 7/2017 và G7 mở rộng lần này tại Canada. Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế khu vực.

Việt Nam đang triển khai 11 Hiệp định FTA song phương và đa phương. Tháng 3/2018, Canada và Việt Nam đã tham gia ký và đang tiến hành phê chuẩn Hiệp định CPTPP, tạo nên một khối kinh tế tự do của 11 quốc gia có quy mô 13% GDP toàn cầu. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA với EU đã hoàn tất rà soát pháp lý và chuẩn bị cho ký chính thức và phê chuẩn cuối năm 2018.

Đối với tương lai, Thủ tướng cho biết, nhằm hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020; quy mô thương mại khoảng 600 tỷ USD vào năm 2020.

Để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên tăng năng suất và đổi mới - sáng tạo; chủ động tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nền kinh tế số; kết hợp hài hòa khu vực kinh tế trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài; nâng cao năng lực cạnh tranh; hướng tới phát triển bền vững.

Việt Nam đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, vươn lên nhóm đầu trong ASEAN và hướng tới các tiêu chuẩn cao của OECD, đồng thời thực thi nghiêm túc các cam kết về bảo vệ sở hữu trí tuệ, khuyến khích các ý tưởng đổi mới sáng tạo, ưu tiên đầu tư công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo...

Tiến trình tái cơ cấu các ngành kinh tế, cổ phần hóa các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đang được Chính phủ đẩy mạnh trên các lĩnh vực: hàng không, điện lực, dầu khí, viễn thông, hạ tầng giao thông... Tiến trình này là cơ hội tốt để các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Canada, tham gia mua cổ phần trở thành đối tác/cổ đông chiến lược, đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh áp dụng công nghệ cao, phát triển thanh toán điện tử, chứng khoán, bảo hiểm, thành lập các quỹ đầu tư, công ty ủy thác, quản lý tài sản... Đồng thời, chúng tôi hoan nghênh các dự án đầu tư FDI phát triển hạ tầng, logistics, công nghiệp chế tạo, năng lượng, dịch vụ chất lượng cao...

Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Canada là đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện (11/2017). Nền kinh tế hai nước có tiềm năng lớn và có tính bổ trợ cao cho nhau hơn là cạnh tranh. Kim ngạch thương mại tăng trưởng cao, ổn định, đạt mức 3,5 tỷ USD trong năm 2017. Canada là nhà đầu tư lớn với hơn 5,1 tỷ USD tại Việt Nam.

Từ đó Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng trong môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi của Hiệp định CPTPP sắp có hiệu lực sẽ có sự bùng nổ làn sóng đầu tư mới của Canada vào Việt Nam mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Tại cuộc Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Canada, Thủ tướng đã trực tiếp giải đáp, trả lời những câu hỏi mà doanh nghiệp, nhà đầu tư Canada quan tâm.

Trước câu hỏi về quan điểm của Chính phủ đối với vai trò của khối kinh tế FDI, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rất quan trọng với Việt Nam, và vì vậy Việt Nam luôn coi trọng nhà đầu tư nước ngoài, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

“Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, không chỉ là số lượng mà coi trọng chất lượng, đặc biệt là sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chuỗi giá trị toàn cầu, những dự án bảo vệ môi trường cho người dân và xã hội tốt nhất. Tức là đầu tư sắp đến sẽ có một sự lựa chọn, không phải chạy theo số lượng mà coi trọng chất lượng, để góp phần phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Trong đó có lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao…”, Thủ tướng nói.

Các nhà đầu tư Canada cũng đặt các câu hỏi về giải pháp thúc đẩy thương mại hai nước; vấn đề đào tạo lao động có trình độ và ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với việc giao các bộ trưởng trả lời nhà đầu tư, về vấn đề đào tạo lao động, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với 60% là lực lượng lao động trẻ. Việt Nam đã xuất khẩu hằng năm hàng trăm nghìn lao động và đều được đào tạo ngoại ngữ. Cùng với việc tiếp tục đào tạo ngoại ngữ cho lao động thì Việt Nam cũng tiếp tục đẩy mạnh đào tạo tiếng Pháp, vì Việt Nam thuộc Cộng đồng pháp ngữ. Bên cạnh đó, tiếng Anh là môn học được đưa vào giảng dạy tại cấp phổ thông cơ sở và trung học. Các trường Đại học cũng đào tạo nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đây là nguồn nhân lực được đào tạo ngoại ngữ tốt hơn trong thời gian tới.

Tại tọa đàm, Thủ tướng đã chứng kiến hai bên trao các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, hàng không, giáo dục và đào tạo.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin tưởng sẽ có sự bùng nổ làn sóng đầu tư mới của Canada vào Việt Nam