Tin tức thời sự ngày 22/11: Nâng cấp quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ thành đối tác chiến lược

PV(TH)| 22/11/2015 18:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nâng cấp quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ thành đối tác chiến lược; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama; Đề nghị rút ngắn thời gian phá dỡ công trình 8B Lê Trực... là những tin thời sự nổi bật ngày 22/11.

Nâng cấp quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ thành đối tác chiến lược

Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ đã được diễn ra chiều 21/11. Tại Hội nghị, 10 nhà Lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Barack Obama đã nhất trí nâng cấp quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ thành quan hệ đối tác chiến lược, đánh giá cao kết quả triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN-Hoa Kỳ giai đoạn 2011-2015, hoan nghênh Kế hoạch Hành động mới giai đoạn 2016-2020 là khuôn khổ tiếp tục tăng cường hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội. Hai bên cam kết hợp tác ngăn ngừa và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là khủng bố, buôn bán người, cướp biển, buôn lậu động thực vật hoang dã. Nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế, gia tăng thương mại và đầu tư, ghi nhận tiến triển thực hiện Thỏa thuận khung Đầu tư và Thương mại ASEAN-Hoa Kỳ; Sáng kiến Mở rộng Gắn kết Kinh tế ASEAN-Hoa Kỳ.

10 nhà Lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Barack Obama cũng nhất trí sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kết nối, hợp tác hàng hải, thanh niên, ứng phó với các thách thức như quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu. Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo thông qua Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama

Tại Kuala Lumpur, Malaysia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, có hiệu quả với Mỹ.

Tổng thống Obama cho rằng Mỹ và Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để phê chuẩn và triển khai thực hiện hiệu quả TPP. Mỹ đánh giá cao việc Việt Nam đã hợp tác hiệu quả trong quá trình đàm phán văn kiện này. Về vấn đề Biển Đông, Mỹ ủng hộ lập trường của Việt Nam và cho rằng, Việt Nam và các nước ASEAN cần có tiếng nói chung và tăng cường phối hợp giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận khu vực. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mời Tổng thống Barack Obama sớm thăm Việt Nam và Tổng thống Obama đã nhận lời.

Lễ ký Tuyên bố về "Thành lập Cộng đồng ASEAN"

Sáng nay (22/11), các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về "Thành lập Cộng đồng ASEAN" với sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo các nước đối tác, đối thoại của ASEAN và Tổng Thư ký LHQ. Đây là hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur (Malaysia), đồng thời là một trong những điểm nhấn quan trọng của Hội nghị lần này.

Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về "Thành lập Cộng đồng ASEAN" là sự kiện mang tính lịch sử, là công bố chính thức với thế giới về sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, thành tựu to lớn của quá trình liên kết và hội nhập ASEAN trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN; nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài. Việc xây dựng Cộng đồng ASEAN là một quá trình liên tục và lâu dài, trong đó sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình liên kết ASEAN và sự hình thành cộng đồng này có ý nghĩa hết sức to lớn, cụ thể là đã phản ánh được sự lớn mạnh của ASEAN sau 48 năm hình thành và phát triển vươn lên trở thành một cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột là: Chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới.

Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Malaysia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Liên bang Nga Medvedev. Đây là cuộc gặp lần thứ 3 giữa hai Thủ tướng trong năm 2015, thể hiện tinh thần hữu nghị, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Nga, với tư cách là nước đầu tàu của Liên minh Kinh tế Á - Âu, sớm phê chuẩn và thúc đẩy các nước thành viên khác để Hiệp định có hiệu lực. Để cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước sắp tới thành công tốt đẹp, hai Thủ tướng nhất trí sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của hai nước tích cực chuẩn bị, thảo luận để thống nhất danh mục các công việc sẽ triển khai trong năm 2016, trong đó có việc thúc đẩy thực hiện các dự án lớn về năng lượng điện hạt nhân, dầu khí, lắp ráp ô tô… Liên quan đến tình hình Biển Đông, Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh để giải quyết hòa bình các tranh chấp, các bên liên quan cần nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Việt Nam – Thái Lan thảo luận hợp tác nghề cá

Chiều 21/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp và trao đổi với Thủ tướng Thái Lan Chan-ocha về một số vấn đề trong quan hệ song phương, nhất là hợp tác về lao động và nghề cá.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên thực hiện tốt Bản ghi nhớ về hợp tác lao động, đồng thời đề nghị Thái Lan tạo thuận lợi cho người lao động Việt Nam ở Thái Lan và cho phép tất cả lao động tự do Việt Nam tại Thái Lan được đăng ký và tiếp tục công việc hiện nay. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị giao Bộ Ngoại giao hai nước lập cơ chế thảo luận về hợp tác nghề cá.

Đề nghị rút ngắn thời gian phá dỡ công trình 8B Lê Trực

Đúng kế hoạch cam kết, hôm qua (21/11), Nhà đầu tư đã bắt đầu phá dỡ phần xây dựng sai phép tạicông trình số 8B Lê Trực, TP Hà Nội. Theo phương án phá dỡ giai đoạn 1, chủ đầu tư tiến hành phá dỡ toàn bộ phần tum, tiếp theo sau đó là tầng 19 của toà nhà. Giai đoạn 1 dự kiến kéo dài 9 tháng.

Theo cam kết của chủ đầu tư, trong quá trình phá dỡ giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án phá dỡ giai đoạn 2 phần công trình sai phạm còn lại theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP Hà Nội cho rằng, tiến độ phá dỡ giai đoạn 1 chưa phù hợp, Sở đề nghị chủ đầu tư rà soát lại tiến độ chi tiết để rút ngắn thời gian phá dỡ, đảm bảo yêu cầu của UBND thành phố; đặc biệt phải đảm bảo khoảng lùi và chiều cao công trình đúng theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin tức thời sự ngày 22/11: Nâng cấp quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ thành đối tác chiến lược