Thực hiện thí điểm Thừa phát lại: Tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự

Quỳnh Hoa| 08/11/2015 17:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thi hành ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với một số bộ, ngành liên quan tổ chức thí điểm chế định này tại TP.HCM từ năm 2010.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp và nhiệm vụ hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 14/11/2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó đã giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm Thừa phát lại.

Thi hành ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với một số bộ, ngành liên quan, Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức thí điểm chế định này tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2010. Việc thực hiện thí điểm bước đầu đã thu được kết quả khích lệ, được Quốc hội, Chính phủ đánh giá tốt, được người dân, xã hội đón nhận tích cực.

Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và kết quả tổng kết, đề nghị của Chính phủ, ngày 23/11/2012 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (sau đây gọi là Nghị quyết số 36/2012/QH13), trong đó đã giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 đến hết ngày 31/12/2015.

Thêm công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình

Đến nay, tại 13 địa phương thực hiện thí điểm đã có 53 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập. Theo quy định, Thừa phát lại được thực hiện các công việc: Tống đạt văn bản theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án. Tổng số nhân lực đang làm việc tại 53 Văn phòng Thừa phát lại là 643 người, trong đó có 134 Thừa phát lại; 295 Thư ký nghiệp vụ và 214 nhân viên khác. Đội ngũ Thừa phát lại đang hành nghề là những người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực pháp lý, trong đó phần lớn đã là Luật sư, Thẩm phán, Điều tra viên, Chấp hành viên…

Thực hiện thí điểm Thừa phát lại: Tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, tính đến ngày 31/7/2015, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 834.734 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 781 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu là 107 tỷ 552 triệu 100 nghìn đồng. Trong các mảng công việc, hoạt động tống đạt chiếm tỷ trọng lớn với 834.734 văn bản được tống đạt và doanh thu gần 50 tỷ đồng (chiếm 44,79 % tổng doanh thu); kế đến là hoạt động lập vi bằng với 39.027 vi bằng được lập và doanh thu trên 52 tỷ đồng (chiếm 49,07% tổng doanh thu). Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án chiếm tỷ trọng nhỏ với 781 việc xác minh và 322 vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án, doanh thu của 02 loại công việc trên mới đạt gần 7 tỷ đồng (chiếm 9,28% tổng doanh thu). 

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các Văn phòng Thừa phát lại đã ổn định về tổ chức, kết quả hoạt động khá tốt, có những lĩnh vực đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực trong xã hội (lĩnh vực tống đạt, lập vi bằng), được người dân, xã hội đánh giá cao. Tại các địa phương mở rộng thí điểm, các Văn phòng Thừa phát lại từng bước ổn định về tổ chức, hoạt động bước đầu có hiệu quả. Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, đang dần khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp. 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá, kết quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các quá trình tố tụng, góp phần ổn định các quan hệ xã hội, an ninh trật tự. Việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đã góp phần nâng cao nhận thức không những đối với cơ quan nhà nước mà còn đối với người dân về một chủ trương mới của Đảng, Nhà nước. Chế định Thừa phát lại đã tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự. Trong đó, việc lập vi bằng của Thừa phát lại đã được người dân đón nhận rất tích cực vì đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các Văn phòng Thừa phát lại bên cạnh các cơ quan Thi hành án dân sự của Nhà nước đã tạo điều kiện để người dân có thêm lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu thi hành án dân sự. Kết quả khảo sát về tác động của Thừa phát lại cho thấy, phần lớn người dân khi được hỏi ý kiến đều cho rằng sẵn sàng sử dụng dịch vụ thừa phát lại vì có thể giúp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình . 

Việc xác minh điều kiện và trực tiếp tổ chức thi hành án chiếm tỷ lệ thấp trong kết quả hoạt động 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện, kết quả tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Kết quả hoạt động của một số Văn phòng Thừa phát lại còn chưa cao, chưa đồng đều ở các địa phương thí điểm và ở các mảng công việc, nhất là tại 12 địa phương mở rộng thí điểm. Trong đó việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án còn hạn chế, chiếm tỷ lệ thấp trong kết quả hoạt động.

Thực hiện thí điểm Thừa phát lại: Tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho ý kiến về Báo cáo tổng kết tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. 

Trong từng mảng công việc của Thừa phát lại cũng đã có những tồn tại, hạn chế, thậm chí yếu kém. Đối với hoạt động tống đạt văn bản: Việc chuyển giao văn bản tống đạt giữa Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự với các Văn phòng Thừa phát lại có lúc, có nơi chưa được thực hiện tốt, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động này, như: việc phân chia địa hạt, ký hợp đồng và chuyển giao văn bản tống đạt chậm được triển khai; chuyển giao văn bản không đều, không thường xuyên; trong phối hợp bàn giao văn bản, kết quả tống đạt, thanh quyết toán chưa tốt... Về phần mình, việc thực hiện tống đạt của các Văn phòng Thừa phát lại, nhất là giai đoạn đầu triển khai còn chưa đảm bảo về thời gian, trình tự, thủ tục; không kết hợp được việc tống đạt với việc động viên, thuyết phục tự nguyện thi hành án; biểu mẫu sử dụng chưa thống nhất. Việc tống đạt của Thừa phát lại cũng có những khó khăn, hạn chế chung cần được khắc phục, như: thiếu sự hợp tác của đương sự; đương sự không có mặt tại địa chỉ, địa chỉ của đương sự không rõ ràng, chính quyền địa phương chưa hỗ trợ… 

Trong hoạt động lập vi bằng, bên cạnh việc mang lại hiệu quả tích cực, hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể vi bằng được lập có nội dung không đúng thẩm quyền; vi bằng được lập để ghi nhận nội dung thỏa thuận, hợp đồng được công chứng, chứng thực; việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp được thực hiện còn lúng túng, vướng mắc... 

Trong hoạt động xác minh điều kiện thi hành án, mặc dù Nghị định của Chính phủ đã có quy định, nhưng trên thực tế áp dụng, Thừa phát lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận các nguồn thông tin để xác minh điều kiện thi hành án; thiếu sự hợp tác của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan, dẫn đến Thừa phát lại không thực hiện được hoặc vi phạm thời hạn thực hiện hợp đồng xác minh điều kiện thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, việc hiểu biết, tiếp cận của người dân còn hạn chế, còn e ngại, chưa đủ tin tưởng để sử dụng dịch vụ này của Thừa phát lại, nên số lượng việc xác minh điều kiện thi hành án không nhiều. Kết quả khảo sát cho thấy, trong tổng số 921 người dân trả lời phiếu khảo sát thì có đến 40% người dân được hỏi chưa sẵn sàng sử dụng dịch vụ xác minh điều kiện thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại với lý do chính là họ chỉ tin tưởng vào cơ quan nhà nước có đủ quyền hạn thực hiện công việc này. 

Hạn chế lớn nhất của hoạt động Thừa phát lại trong thời gian thí điểm về trực tiếp tổ chức thi hành án là số vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án còn ít, cá biệt có Văn phòng chưa tiếp nhận, tổ chức thi hành vụ việc nào. Trong việc tổ chức thi hành án của Thừa phát lại còn nhiều vướng mắc, bất cập phát sinh cũng như sai sót cần được giải quyết, khắc phục; vẫn tồn tại tâm lý e ngại, chưa sẵn sàng từ phía người dân trong việc yêu cầu các Văn phòng Thừa phát lại thi hành án dân sự vì còn quá mới, đang làm thí điểm. Nguồn nhân lực, chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức thi hành án dân sự của các Văn phòng Thừa phát lại còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng nên khi thực hiện có sai sót, vi phạm về thời hạn, thủ tục đã được Viện kiểm sát nhân dân phát hiện và đề nghị, kiến nghị khắc phục. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện thí điểm Thừa phát lại: Tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự