Chiều nay (23/7), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với với Ban Kinh tế Trung ương về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.
Thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương, chiều 23/7, tại Ban Kinh tế Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì buổi làm việc về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 và trao đổi một số chính sách, giải pháp lớn nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Ban Kinh tế Trung ương chủ động thực hiện quy chế phối hợp công tác với Ban Cán sự Đảng Chính phủ thời gian qua, như việc hai bên phối hợp tổ chức “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0” vào ngày 13/7. Cho rằng việc thực hiện quy chế phối hợp này rất quan trọng, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung bàn về các vấn đề kinh tế vĩ mô, không chỉ về các giải pháp trọng tâm để hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2018 mà “chúng ta còn phải thảo luận thêm những động lực tăng trưởng thời gian đến”. Thách thức còn rất lớn, nếu không có tầm nhìn, không chủ động các biện pháp, không đề phòng bất trắc thì việc thực hiện kế hoạch năm nay không đơn giản, mặc dù các tổ chức quốc tế như IMF, WB có các đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nêu rõ tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay tốt, Thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan trong chỉ đạo, điều hành là yêu cầu đối với các cấp, các ngành trong bối cảnh hiện nay.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình kinh tế vĩ mô, khẳng định các mặt tốt nhưng đồng thời phải nhìn nhận mặt tồn tại, bất cập, “giải ngân xây dựng cơ bản làm sao, ách tắc về thể chế như thế nào…”. Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá sâu hơn về tình hình quốc tế như chiến tranh thương mại, biến động thị trường tài chính, tiền tệ thế giới… và dự báo khả năng diễn biến tiếp theo để có đối sách kịp thời, không để bị động, bất ngờ.
Ngoài ra, cũng cần phân tích, chỉ rõ các tồn tại, hạn chế của nền kinh tế hiện nay và các biện pháp khắc phục, “sức ép lạm phát nguyên nhân từ đâu, tỷ giá, lãi suất trước sự biến động thị trường như thế nào, xuất nhập khẩu, cán cân thương mại, cán cân thanh toán từ biến động bên ngoài như thế nào, thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản có yếu tố rủi ro nào”. “Chúng ta phải có bước đi cách làm nào tốt hơn, nhanh hơn trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?”, Thủ tướng phát biểu và nêu rõ, “tôi đã phát biểu là phải đảo chiều trong tư duy và hành động của chúng ta trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay”.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá thực trạng cơ chế, chính sách hiện hành để tìm ra định hướng trong sử dụng các công cụ chính sách, vừa bảo đảm ổn định vĩ mô, vừa tạo đột phá cho tăng trưởng. “Một số chuyên gia có nói với chúng tôi rằng không gian chính sách tài khóa, tiền tệ không còn nhiều nhưng vấn đề đặt ra là dù còn ít nhưng cũng phải tận dụng hiệu quả, vừa làm, vừa tạo ra không gian mới, không chỉ áp dụng một công cụ mà có kế hoạch sử dụng nhiều công cụ. Không chỉ một loại chính sách mà vận dụng nhiều loại chính sách. Tài khoá, tiền tệ, thương mại, đầu tư cần phối hợp với nhau như thế nào cho hài hòa, cho nhịp nhàng. Đây là câu hỏi rất lớn bởi sự điều hành nhịp nhàng rất quan trọng”.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; khẳng định sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương trong thời gian qua.
Đồng chí nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, Ban Kinh tế Trung ương đã bám sát chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước cũng như diễn biến kinh tế thế giới và khu vực để phối hợp với Ban Cán sự Đảng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu, đề xuất kịp thời, có hiệu quả các chủ trương chính sách về đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế thế giới về cơ bản có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là rủi ro đối với khu vực tài chính, tiền tệ, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu trong trung hạn có xu hướng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế đã tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn; tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất từ năm 2011 trở lại đây và tăng trưởng đồng đều ở cả ba khu vực; nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định và củng cố, lạm phát được kiểm soát; sức cầu nội địa duy trì được đà tăng khá cao; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả của nền kinh tế được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng bước đầu, rõ nét hơn là trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp; tài chính - ngân sách nhà nước được củng cố và chuyển biến tích cực, nợ công được kiềm chế, thu chi ngân sách nhà nước được cơ cấu lại theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị; tiền tệ, lãi suất, tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng khá; kinh tế đối ngoại tiếp tục mở rộng; cán cân thương mại, cán cân tài chính được cải thiện; thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài đạt được kết quả quan trọng; tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nghiệp được thắp sáng và lan tỏa rộng rãi nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Ban Cán sự Đảng Chính phủ, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá về một số vấn đề đáng quan tâm như tăng trưởng kinh tế, lạm phát, rủi ro chu kỳ kinh tế 10 năm, tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đối với Việt Nam, từ đó đưa ra một số chủ trương, giải pháp về bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững trong 6 tháng cuối năm và thời gian tiếp theo.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương cũng như các bộ, ngành; biểu dương những kết quả đạt được trong thời gian qua của Ban Kinh tế Trung ương, nhất là trong việc nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã ký kết quy chế phối hợp công tác, nhất định hai cơ quan sẽ hợp tác chặt chẽ hơn, thực hiện có hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách của Ban Kinh tế Trung ương và nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế của Chính phủ. Chính phủ sẽ thường xuyên lắng nghe, trao đổi những ý kiến, đề xuất từ Ban Kinh tế Trung ương trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới và phát triển kinh tế cũng như lãnh đạo, điều hành nền kinh tế.
Ghi nhận những ý kiến phát biểu, nhất là những đánh giá, nhận định, kiến nghị, đề xuất của Ban Kinh tế Trung ương tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc để quyết tâm, chủ động triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, giải pháp để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và đặc biệt là tìm ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững hơn từ nay đến cuối năm và giai đoạn tới.