Thủ tướng: Không được chủ quan, nhất là khi xảy ra tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới

Xuân Lan| 06/04/2020 15:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ nay đến ngày 15/4, cần tiếp tục tập trung thực hiện giải pháp đưa ra, không được chủ quan, không để vấp phải sai lầm do chủ quan, coi thường, nhất là khi xảy ra việc tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới.

Thủ tướng: Không được chủ quan, nhất là khi xảy ra tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới

 

Chiều nay (6/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, có tín hiệu tích cực khi mà trong những ngày qua, số ca nhiễm mới ít, số ca ra viện tăng và trong xã hội xuất hiện nhiều tấm gương tương thân, tương ái.

Theo Thủ tướng, Chỉ thị số 15, 16 làm cuộc sống của người dân thay đổi. Thủ tướng nêu rõ, ở giai đoạn này, sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Và thời gia quan, người dân đã tuân thủ tốt, nhờ đó, công tác chống dịch đạt một số kết quả tích cực.

Cho rằng cần tiếp tục các Chỉ thị nêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh, giải pháp mới trong giai đoạn hiện nay là gì. Từ nay đến ngày 15/4, cần tiếp tục tập trung thực hiện giải pháp đưa ra, không được chủ quan, không để vấp phải sai lầm do chủ quan, coi thường, nhất là khi xảy ra việc tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới.

Đồng thời Thủ tướng cũng đặt vấn đề, đến thời điểm này tình hình dịch bệnh đã tốt hơn trước, hai buổi sáng liên tiếp Bộ Y tế công bố không có ca bệnh COVID-19 mới. Đạt được kết quả đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng biện pháp “giãn cách xã hội” theo Chỉ thị 16 là rất quan trọng.

“Nhưng trong thời điểm hiện nay có cần thiết tiếp tục thực hiện hay không, các đồng chí cho ý kiến”, Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan bàn về vấn đề này.

Thủ tướng cũng nhận định thời gian qua một số biện pháp khoa học của ngành y tế đã làm rất tốt. Biện pháp cách ly tập trung tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa. Ngoài ra, cũng cần phải bàn về các biện pháp mới để chống dịch tốt hơn nữa trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Thủ tướng cho rằng một số nước có chương trình giới nghiêm như Singapore, Lào đã đóng cửa khẩu quốc tế, việc đi lại các nước được hạn chế tốt đa.

Còn ở Việt Nam một số lượng Việt kiều, học sinh, nhất là người lao động về nước rất lớn. Chúng ta xử lý vấn đề này như thế nào và có cần biện pháp mạnh hơn không?, Thủ tướng đưa ra vấn đề.

Trước tác động của Covid-19 khiến nhiều đối tượng yếu thế gặp khó khăn, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về gói an sinh xã hội và đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng, như nguyên tắc hỗ trợ, đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ...

Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với một số nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội trước khi ban hành gói hỗ trợ này. 

Cùng với gói hỗ trợ về an sinh xã hội dành cho các đối tượng gặp khó khăn do Covid-19, cuối tuần này, Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương để thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đảm bảo an ninh trật tự.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia, trên thế giới ghi nhận hơn 1,23 triệu người mắc tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, có gần 70.000 người tử vong.

Tại Việt Nam (tính đến 12h hôm nay), ghi nhận 241 ca mắc với 150 người từ các ổ dịch nước ngoài (chiếm trên 62% số người mắc) và 91 người lây nhiễm thứ phát. Có 91/241 trường hợp đã khỏi bệnh. 4 bệnh nhân nặng đang có tiến triển tốt.

Nhận định tình hình dịch tại Việt Nam, Ban chỉ đạo quốc gia cho biết, trong 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 đã tăng gấp đôi từ 121 (23/3) lên 241 (5/4). Trong cùng thời gian đó, số ca mắc trên thế giới đã tăng gần 4 lần từ 341.632 (23/3) lên 1.273.709 (5/4). Việt Nam hiện chưa có ca tử vong nào trong khi trên thế giới trong 2 tuần qua, con số tử vong do COVID-19 đã tăng lên gần 5 lần.

Hiện Việt Nam có số mắc đứng thứ 98 trong số 210 các quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19. Phần lớn các trường hợp mắc ghi nhận tại Việt Nam là trường hợp xâm nhập từ nước ngoài với 62,9%, trong đó có 77,5% trường hợp đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 22,5% trường hợp xâm nhập được phát hiện tại cộng đồng. Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch với việc thực hiện triệt để các biện pháp cách ly, quản lý các trường hợp từ nước ngoài trở về, các trường hợp tiếp xúc vòng 1, vòng 2 và áp dụng biện pháp cách ly xã hội.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Không được chủ quan, nhất là khi xảy ra tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới