Thủ tướng: Đà Nẵng đã làm trái pháp luật thì phải khắc phục, sửa sai

Xuân Lan| 01/11/2018 19:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nguyên tắc đã làm trái pháp luật thì phải khắc phục, sửa sai, không ai có thể nói vì vướng mà không thực thi pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh khi trả lời ĐBQH liên quan những vướng mắc về đất đai Đà Nẵng, tại phiên chất vấn Quốc hội chiều này 1/11

Thủ tướng: Đà Nẵng đã làm trái pháp luật thì phải khắc phục, sửa sai

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn chiều 1/11

Phần chất vấn các "Tư lệnh" ngành kết thúc vào hồi 15.00' chiều nay (1/11). Sau giờ giải lao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Sau bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của các đại biểu về những vấn đề nóng, được đông đại biểu và cử tri quan tâm. Những chất vấn khác của các đại biểu Quốc hội sẽ được Thủ tướng trả lời bằng văn bản và gửi đến từng đại biểu.

Thủ tướng cho biết, những ngày qua có gần 30 đại biểu chuyển các chất vấn tới Thủ tướng. Thủ tướng chọn một số câu hỏi để trả lời trước.

4 giải pháp để bộ máy Chính phủ hoạt động "đều tay"

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) hỏi: Trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa rồi cho thấy sự tín nhiệm, ghi nhận, trân trọng của đại biểu Quốc hội với những nỗ lực, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ. Nhất là sự tín nhiệm rất cao của đại biểu đối với Thủ tướng. Song qua đó cho thấy sự tín nhiệm, đánh giá của đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ có số phiếu cao thấp khác nhau.

Dù biết rằng có một số bộ trưởng đã có nhiều giải pháp để khắc phục những hạn hế, yếu kém từ nhiều năm trước và bước đầu có hiệu quả nhưng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong những cơ sở quan trọng để thấy sự thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao trong thực hiện nhiệm vụ của một số thành viên Chính phủ.

Từ đó, tôi đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp gì thực sự mạnh mẽ hơn để bộ máy của mình hoạt động đều tay, trách nhiệm, hiệu quả hơn.

Trả lời đại biểu, Thủ tướng nói: “Ngón tay có ngón ngắn ngón dài nhưng đều nằm trên một bàn tay”. Cả bàn tay đó cùng chụm lại, đó chính là hình ảnh của 26 thành viên Chính phủ, trong đó có 6 Ủy viên Bộ Chính trị.

"Có một câu cho rằng trăm dâu đổ đầu tằm. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực còn yếu kém", Thủ tướng xác định.

Về giải pháp khắc phục, Thủ tướng cho rằng phải chỉ đạo, đôn đốc tốt hơn đối với các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh. Thực tế cùng một cơ chế, cùng một chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt. Ngược lại còn có sự trì trệ sai sót lớn do điều hành mà gây ra.

Thứ hai, Các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp công tác nhất là phương pháp nêu gương, kiểm tra các cục vụ, viện và cán bộ thực hiện đúng quy chế làm việc, chấm dứt tình trạng "trên nóng dưới lạnh".

Thứ ba, Chính phủ yêu cầu mỗi Bộ trưởng tự rèn luyện, tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát cơ sở, sát địa phương, để không "đuổi gà qua đám giỗ", sơ sài vô trách nhiệm, sợ gian khổ.

Thứ tư, không làm được, vi phạm nặng thì phải thay đổi công tác cho phù hợp.

Thủ tướng bày tỏ: "Nhân đây, tôi muốn nói với một nước đông dân đông dân như nước ta, Chính phủ, trưởng ngành điều hành công việc rất phức tạp, rủi ro, cũng mong đại biểu Quốc hội thông cảm vì anh em phần lớn làm nhiệm kỳ đầu".

Có chương trình hành động cụ thể với ứng phó biến đổi khí hậu

Trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội về các giải pháp trước tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ đã chỉ đạo tích cực, có chương trình hành động cụ thể.

Trước hết là chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi; đã bố trí nguồn lực trên 12.000 tỷ đồng cho các chương trình dự án. Nhiều tỉnh chủ động kêu gọi đầu tư xã hội hóa nguồn lực, hợp tác đầu tư; thành lập Thường trực Ban Chỉ đạo chuyên theo dõi về vấn đề biến đổi khí hậu ở khu vực này.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tác động của thiên tai, của biến đổi khí hậu là rất lớn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, quan tâm mạnh mẽ hơn, nhất là những hạ tầng ưu tiên vào những vấn đề có liên quan để phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong tình hình biến đổi khí hậu.

Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật

Đại biểu Thích Thanh Quyết đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm rõ chính sách để các tôn giáo cùng bình đẳng phát triển.

Trả lời đại biểu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam có 15 tôn giáo với 42 tổ chức, có hơn 25,3 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Chưa đất nước nào có hàng vạn chùa, nhà thờ khắp đất nước, được Giáo hội phật giáo Thế giới chọn để tiến hành 3 đại hội. Ngôi chùa mới nhất là chùa Tam Chúc đang được xây dựng ở Ninh Bình.

Việt Nam, như vậy, rõ ràng là một đất nước tự do tôn giáo. Các tôn giáo đều bình đẳng trước phát luật. Thời gian qua, các tôn giáo đều đoàn kết trong nhân dân, có sự đóng góp của hàng triệu tín đồ.

Tất nhiên còn những hiện tượng lợi dụng tôn giáo nhưng chỉ là số rất ít. Thủ tướng khẳng định, tới nay Chính phủ đã có nhiều hướng dẫn để thi hành Luật Tôn giáo tín ngưỡng để đảm bảo một trong những quyền cơ bản của công dân, của con người, là công cụ hỗ trợ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Đã bố trí trên 9.000 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng

Về vấn đề nợ xây dựng cơ bản mà đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) có nêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von “cháo nóng húp quanh mà nợ trả dần”.

Thủ tướng cho rằng, còn nợ nhiều lắm, nhưng để thực hiện Luật chính sách nhà nước và Luật đầu tư công, trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 đã bố trí trên 9.000 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng các bộ ngành Trung ương đã được rà soát (chốt đến tháng 12/2014).

Chúng ta đã xử lý đúng quy định pháp luật và Chính phủ cũng như các bộ ngành thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 26 của Quốc hội.

Chính phủ cũng đã trình Thường vụ Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí sử dụng quỹ dự phòng chung cho đầu tư trung hạn để giải quyết một số vấn đề về thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản đang nợ nần.

Đã làm trái pháp luật thì phải khắc phục, sửa sai

Với 2 phút xin thêm tại nghị trường Quốc hội, Thủ tướng đã dành để nói về vấn đề đất đai đang gây dư luận tiêu cực tại Đà Nẵng.

Liên quan việc đại biểu Võ Thị Như Hoa (TP. Đà Nẵng) đã đặt câu hỏi Tổng thanh tra Chính phủ về việc thực hiện kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ về quản lý đất đai tại TP. Đà Nẵng. Theo đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu TP. Đà Nẵng thực hiện 2 nội dung lớn. Thứ nhất, thu hồi để sửa lại vì thời hạn sử dụng đất trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền Đà Nẵng đã cấp sai. Thứ hai, thu hồi số tiền 5-10% mà chính quyền đã giảm khi cấp giấy chứng nhận trong một số dự án đền bù, giải tỏa.

Để thực hiện kết luận này, chính quyền TP. Đà Nẵng đã hạn chế quyền của người sử dụng đất bằng cách tạm thời không cho giao dịch, chuyển nhượng, xây dựng trên đất.

Điều này đã gây ra những ách tắc rất lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phản ứng quyết liệt của người dân trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Bởi lẽ họ là những người nhận chuyển nhượng, không phải là người được giảm số tiền 5-10%.

“Đây là vấn đề rất nóng tại địa phương. Tháng 6, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời. Phương án xử lý vấn đề này thế nào để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp?”, bà Hoa chất vấn.

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TP. Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để thực hiện các nội dung của kết luận thanh tra, trong đó có việc tập trung khắc phục những sai phạm đã xảy ra.

Về cơ bản, thành phố đã hoàn thành hầu hết các nội dung theo kết luận thanh tra, chỉ còn hai vấn đề vướng mắc. Thứ nhất, xử lý các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trái pháp luật về đất đai về thời hạn sử dụng đất. Thứ hai là thu hồi cho ngân sách khoản tiền 10% mà thành phố đã giảm trái quy định pháp luật.

“Vấn đề cơ bản, cả 2 việc này Đà Nẵng đã làm trái luật. Việc này đã rõ ràng, tất nhiên là từ nhiều năm trước, không phải các đồng chí đương chức hiện nay.

Nguyên tắc đã làm trái pháp luật thì phải khắc phục, sửa sai. Luật pháp không cho phép chúng ta hợp thức hóa cái sai. Không ai có quyền quyết định trái pháp luật, không ai có thể nói vì vướng mà không thực thi pháp luật.

Tất nhiên, chúng ta phải bàn cách tháo gỡ phù hợp pháp luật, phù hợp với thực tiễn, khả thi, không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, sau khi nhận được văn bản của đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, ông đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, các bộ, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu giải quyết đề nghị của thành phố.

Ngày 20/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, thống nhất cho Thanh tra Chính phủ cùng TP. Đà Nẵng tiến hành rà soát, phân loại từng trường hợp cụ thể về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như các trường hợp miễn giảm trái pháp luật gây thất thu cho ngân sách nhà nước, để có biện pháp giải quyết phù hợp đối với từng trường hợp.

“Thủ tướng sẽ nghe trực tiếp để quyết định về vấn đề này trên tinh thần quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân mua lại đất”, Thủ tướng cho biết.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Đà Nẵng đã làm trái pháp luật thì phải khắc phục, sửa sai