"Thu giá" hay "Thu phí": Ngôn ngữ pháp lý cần phải chuẩn mực

Trọng Bằng| 25/05/2018 09:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người dân đang bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, sự chuẩn mực của ngôn ngữ pháp lý”, ĐBQH Lê Thanh Vân phân tích khi nói về phản ứng của người dân trước việc dùng thuật ngữ “thu giá” thay cho “thu phí”.

Từ ngữ chưa hợp lý

Liên quan việc Bộ GTVT dùng thuật ngữ “thu giá” thay cho “thu phí”, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, người dân bức xúc là có cơ sở, vì ngôn ngữ tiếng Việt “thu giá” không có ý nghĩa. Luật giá là công cụ quản lý giá dịch vụ, giá trị hàng hóa mà nhà nước đặt ra nhằm đảm bảo bình đẳng lợi ích các bên, trong đó có lợi ích nhân dân, vì vậy, không thể dùng từ “thu giá”.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nêu ý kiến: “Tôi cho rằng, cái sai trong dùng thuật ngữ, giá là chỉ việc đo lường giá trị của hàng hóa, dịch vụ".

Đồng thời đại biểu phân tích: “Trường hợp cụ thể này, việc sửa đổi thành “trạm thu giá” rất tối nghĩa và phản ứng của người dân là có căn cứ. Người dân đang bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, sự chuẩn mực của ngôn ngữ pháp lý. Đã là nhà nước thì phải dùng ngôn ngữ phổ thông, chuẩn mực, dễ hiểu và trước hết phải là thuần Việt”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị: “Bộ GTVT phải xem xét lại. Trước hết phải tiếp thu ý kiến của dư luận xem việc dùng ngôn ngữ của mình như thế đã chuẩn chưa? Vì sao người ta lại phản ứng, người ta phản ứng vì mục đích gì? Điều mà chúng ta nhận thấy người ta phản ứng là sự trong sáng tiếng Việt, chuẩn mực ngôn ngữ. Vấn đề đó, Bộ phải nhìn nhận khách quan và tiếp thu. Điều đó chỉ có lợi cho Bộ GTVT”.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, về mặt từ ngữ, cụm từ “trạm thu giá” nghe không hợp lý với từ ngữ trước nay được sử dụng trong tiếng Việt, dẫn tới sự phản ứng của người dân.

Theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, về mặt bản chất, khi sử dụng dịch vụ BOT, người dân sẽ phải trả tiền để sử dụng dịch vụ, tuân theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Bộ GTVT nên sửa đổi lại tên gọi, ví dụ gọi những trạm thu phí BOT này là “trạm bán vé”, “trạm kiểm soát vé”.

“Nếu Bộ GTVT vẫn dùng chữ “giá”, theo tôi phải dùng đầy đủ là “trạm thu giá sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp a, b, c cung cấp”. Giá đó do doanh nghiệp điều tiết. Nếu trạm đông người qua, doanh nghiệp sẽ lấy thu bù chi thì họ sẽ giảm giá. Nhưng nếu trạm ít người qua lại, không đủ bù chi doanh nghiệp sẽ tăng giá”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến.

Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân

Cũng theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, đại biểu tiếp nhận nhiều ý kiến của các cử tri phản ánh về sự bức xúc của người dân với việc đặt các trạm BOT, khoảng cách và giá thu tại mỗi trạm.

Sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có đợt giám sát các trạm BOT. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những khuyến nghị, khuyến cáo về việc thu tiền của người dân khi sử dụng dịch vụ BOT phải bảo đảm quyền và lợi ích của người dân; Các doanh nghiệp khi đặt trạm BOT phải có đường dẫn song song để người dân sinh sống tại nơi đó không phải chi trả tiền; Mức độ doanh nghiệp đầu tư vào con đường đó như thế nào để tương đồng với mức độ thu.

Sau khi có kiến nghị rà soát số trạm, vị trí đặt trạm, Bộ GTVT đã có những triển khai quyết liệt, xử lý, đánh giá hiệu quả các trạm BOT và sẽ sớm có báo cáo kết quả triển khai các hoạt động này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng: “Việc Bộ GTVT cần quan tâm thời điểm này là rà soát khoảng cách vị trí giữa các trạm; mức thu phí của các trạm; thanh tra, kiểm tra đếm số lượt mà các phương tiện giao thông đi qua các trạm BOT để bảo đảm số lượt công bố chính xác. Khi xảy ra sự thiếu minh bạch cần phải xử lý quyết liệt”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Theo tôi, dù “thu phí” hay “thu giá” cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân”.

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, việc gọi tên là “trạm thu phí” hay “trạm thu giá” BOT thì vẫn phải đặc biệt chú ý đến lợi ích của người dân.

“Về bản chất “thu phí” hay “thu giá”, vẫn phải bảo đảm nguyên tắc là đúng thẩm quyền và phải có phương án tính toán hợp lý lợi ích của cả hai phía, nhà đầu tư và của người sử dụng dịch vụ. Nếu để tên gọi là “trạm thu phí” thì HĐND tỉnh, thành phố có thể quyết định mức thu. Còn chuyển thành “trạm thu giá” thì nhà đầu tư có thể đề xuất theo cơ chế thị trường? Việc chuyển từ phí sang giá thể hiện sự vận động theo cơ chế thị trường, theo quan hệ cung cầu. Tức là trong cơ chế thị trường thì nhà đầu tư phải có sự tính toán cho phù hợp”, đại biểu Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang quốc hội chiều 22/5, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói việc đổi tên trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT căn cứ quy định của Chính phủ. “BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, sản phẩm đó do doanh nghiệp ấn định giá. Còn phí là mang tính Nhà nước, do quy định nghị định thôi”, ông Thể giải thích.

Theo người đứng đầu Bộ GTVT, việc điều chỉnh phí cần sự cho phép của HĐND, Quốc hội, còn giá là dịch vụ cung cấp của doanh nghiệp nên có thể điều chỉnh cho hợp lý tùy theo tình hình.

“Từ khi chuyển sang giá, chúng ta mới giảm giá cho cân đối tài chính, còn để thông qua các bộ thì rất chậm. Đây là cơ chế của Chính phủ để linh động”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói thêm.

Trước một số ý kiến cho rằng khái niệm “trạm thu giá” khó hiểu, thậm chí không có nghĩa, ông Thể nói việc thay tên gọi không phải Bộ GTVT quyết định. “Nghị định của Chính phủ quy định, không phải Bộ GTVT tự đặt ra”, ông Thể khẳng định.

Cũng theo ông Thể, theo quy định, doanh nghiệp muốn tăng giá phải đề nghị Bộ GTVT xem xét. Khi nào thấy hài hòa lợi ích, Bộ mới cho phép để điều chỉnh.

Về việc bản chất có thay đổi khi đổi tên từ “phí” sang “giá” không, ông Thể nói mỗi giai đoạn lịch sử, khả năng chịu đựng của nền kinh tế khác nhau. Chủ trương hiện nay là giảm thấp nhất các chi phí hàng hóa. Về bản chất nhà đầu tư bỏ tiền phải có lãi, thu cao thì thời gian ngắn, thu thấp thì thời gian dài.

Trước đây, mỗi lần thay đổi mức phí rất khó khăn vì liên quan nghị quyết HĐND địa phương. Khi chuyển sang giá, việc điều chỉnh sẽ nhanh chóng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Thu giá" hay "Thu phí": Ngôn ngữ pháp lý cần phải chuẩn mực