Luật Trưng cầu ý dân mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp

Quỳnh Hoa| 27/05/2015 08:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, dự thảo Luật trưng cầu ý dân sẽ được thảo luận, lấy ý kiến đóng góp lần đầu. Dự thảo Luật được xây dựng nhằm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp.

Việc xây dựng dự thảo Luật Trưng cầu ý dân được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. 

Luật Trưng cầu ý dân mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Dự thảo Luật gồm 9 chương, 56 điều, đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường đoàn kết và đồng thuận xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia rộng rãi, trực tiếp vào những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua các cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nội dung của dự Luật phù hợp với các quy định của Hiến pháp và các luật có liên quan, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. 

Điều 1 Dự thảo đã quy định cụ thể: “Luật này quy định việc công dân trực tiếp thực hiện quyền bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu ý dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức theo nghị quyết của Quốc hội; các nguyên tắc trưng cầu ý dân; những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân; cử tri trong trưng cầu ý dân; quyền đề nghị trưng cầu ý dân; thẩm quyền quyết định và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục tổ chức trưng cầu ý dân”. 

Các nguyên tắc trong dự thảo đưa ra đảm bảo xuyên suốt các khâu, các bước trong trưng cầu ý dân. Dự thảo đã nêu ra 3 nguyên tắc. Trong đó, nguyên tắc thứ nhất xác định: "Đề cao quyền lực của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, bảo đảm để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình vào việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước". Đề cao quyền lực nhân dân, tức là ý chí của nhân dân là cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Song, khi đề cao quyền lực nhân dân vẫn chú ý tăng cường sự đồng thuận xã hội. 

Dự thảo Luật quy định cử tri trong trưng cầu ý dân như cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Cụ thể là “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân, có đủ năng lực hành vi dân sự, trừ những người được quy định tại khoản 1, 2 Điều 27 của Luật này, có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân”. 

Dự thảo quy định: “Các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước”. Điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định, còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. 

Dự thảo quy định cụ thể việc không tổ chức trưng cầu ý dân trong những trường hợp sau: “1. Có đề nghị trưng cầu ý dân về cùng một vấn đề mà kết quả trưng cầu ý dân về vấn đề đó được công bố chưa đủ hai mươi bốn tháng; 2. Trong thời gian có chiến tranh hoặc có ban bố tình trạng khẩn cấp; trong thời gian sáu tháng kể từ ngày chiến tranh chấm dứt hoặc việc ban bố tình trạng khẩn cấp đã được bãi bỏ”. 

Nhiều vấn đề quan trọng khác đã được quy định cụ thể trong dự thảo: Đề nghị trưng cầu ý dân, quyết định trưng cầu ý dân, tổ chức trưng cầu ý dân; Các cơ quan, tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân; Danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân; Thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân; Trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân; Quyền, nghĩa vụ của cử tri trong trưng cầu ý dân; Kết quả trưng cầu ý dân; Xử lý vi phạm về trưng cầu ý dân… 

Theo chương trình, nội dung của dự thảo Luật trưng cầu dân ý sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận lần đầu tại tổ vào ngày 3/6 và thảo luận tại phiên toàn thể vào ngày 23/6 tới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Trưng cầu ý dân mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp