Chính phủ lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội

Thanh Vân - Thu Phương| 17/11/2014 20:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 17/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, trả lời chất vấn và thảo luận các nội dung này. Cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.

Chính phủ lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày cho thấy thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành, khẩn trương cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện gắn với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả tích cực. Trong những năm qua, Chính phủ luôn quan tâm bố trí ngân sách nhà nước và thực hiện nhiều giải pháp tăng cường huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng yếu về giao thông, thủy lợi, đê sông, đê biển, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.  

Về lĩnh vực nội vụ, Chính phủ đã rà soát, đánh giá và chấn chỉnh tổ chức bộ máy, biên chế, phê duyệt tổng biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2014 trên nguyên tắc giữ ổn định biên chế công chức đến năm 2016. Việc cải cách chế độ công vụ, công chức được tích cực triển khai. Tinh giản biên chế, bảo đảm tuyển dụng mới không quá 50% số công chức ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại bổ sung cho lĩnh vực cần tăng. Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và 2 lần tăng phụ cấp công vụ với mức điều chỉnh cao hơn tốc độ tăng giá. Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1/1/2015. Các lĩnh vực thông tin – truyền thông, tài chính, giáo dục - đào tạo, thanh tra, pháp lý đã được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những việc còn chưa đạt yêu cầu như thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tiêu thụ nông sản còn khó khăn. Quản lý giá cả và chất lượng vật tư nông nghiệp còn bất cập. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu đề cập trong phiên thảo luận.

Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp và thu nhập cho nông dân

Theo đại biểu Trần Du lịch (Thành phố Hồ Chí Minh), lợi thế về tự nhiên của Việt Nam lớn nhất vẫn là lợi thế trong nông nghiệp, bao gồm cả ngư nghiệp, tuy nhiên dường như bài toán phát triển này chưa được đặt ra một cách tổng thể, vẫn là câu chuyện muôn thuở được mùa mất giá, được giá mất mùa…  Lâu nay, sản xuất cái gì, trồng cây gì, nuôi con gì được đề cập đến rất hay, nhưng sản xuất bằng cách nào với giá thành cạnh tranh, sản xuất cho ai và bán tới đâu lại chưa được giải quyết thấu đáo. Dẫn bài toán phát triển cây ngô, đại biểu cho biết mỗi năm nước ta cần 60 triệu tấn ngô để chăn nuôi, nhưng chủ yếu phải nhập do ngô sản xuất trong nước có giá thành cao hơn ngô nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo trồng trên 200 nghìn ha ngô/năm nhưng không đạt yêu cầu. Đại biểu cho rằng, nếu không thay đổi phương thức sản xuất sẽ không đưa được công nghệ, tín dụng vào, không giảm được giá thành và sẽ không giải quyết được bài toán này, do vậy rất cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ.

Chính phủ lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh:  TTXVN

Giải trình về các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết nguồn cung lương thực hiện rất dồi dào, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà xuất khẩu cũng rất lớn, ước tính đủ cho 100 triệu người ở các nước khác. Để đảm bảm vững chắc an ninh lương thực cho đất nước, cần duy trì năng lực sản xuất lương thực, thực phẩm, quan tâm hơn đến vấn đề nâng cao thu nhập cho các hộ còn khó khăn để mọi người dân luôn đủ lương thực. Trước yêu cầu của nhân dân, Chính phủ đã ban hành chính sách tạo điều kiện cho nông dân ở vùng trồng lúa chuyển đổi sang các cây trồng khác nếu họ xác định được là có thu nhập cao hơn.

Quan tâm đến vấn đề trồng rừng, nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ hiệu quả của việc trồng rừng để nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) kiến nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá sâu hơn về việc chậm trồng rừng thay thế, chậm giao đất giao rừng, người dân chưa sống được bằng nghề rừng, nêu rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành để có những giải pháp mạnh mẽ giải quyết tốt vấn đề này trong thời gian tới.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, giai đoạn 2011 – 2014, mỗi năm nước ta trồng 211 nghìn ha rừng, trong đó chỉ có 16.000 ha là bằng tiền ngân sách, còn lại là do doanh nghiệp, nông dân trồng. Nhận thấy trồng rừng có hiệu quả, người dân và doanh nghiệp đã tự bỏ tiền ra  đầu tư, Nhà nước chỉ hỗ trợ các vùng khó khăn và hộ nghèo. Tuy nhiên, năng suất rừng trồng còn thấp, do vậy thu nhập của người trồng rừng chưa cao. Bộ đã có chủ trương nâng cao hiệu quả trồng rừng bằng cách thực hiện các chính sách trồng rừng gỗ lớn thay vì trồng rừng như hiện nay và tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp người trồng rừng đạt năng suất và hiệu quả cao hơn. Về vấn đề trồng rừng thay thế, Bộ trưởng cho biết: Đến nay, trong tổng số 76.000 ha rừng cần trồng, mới trồng được 6.000 ha, có phương án trồng 4.000 ha, như vậy là rất chậm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận trách nhiệm thuộc về mình; đồng thời đề nghị các địa phương quyết liệt hơn trong việc đôn đốc các doanh nghiệp có sử dụng rừng chuyển đổi phải tích cực xây dựng phương án thực hiện. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận khuyết điểm về việc chỉ đạo thiếu quyết liệt trong quy hoạch vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao. Song ông cho rằng, việc này cần làm cẩn trọng để có được hiệu quả bền vững.

Việc tái định cư vùng biên giới, vùng có dự án thủy điện, vùng thiên tai cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận. Các đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Tô Văn Tám (Kon Tum) băn khoăn: Ở một số vùng tái định cư, chỗ ở mới dành cho bà con chưa bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ. Quy hoạch vùng tái định cư thiếu đất sản xuất hoặc đất sản xuất chưa gắn với khu tái định cư. Nhiều khu tái định cư có sẵn nhà ở nhưng lại chưa có đất sản xuất gây khó khăn cho đồng bào đến ở. Các khu tái định cư chưa phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị đánh giá rõ nguyên nhân và trách nhiệm, từ đó có lộ trình khắc phục để sớm giải quyết các vấn đề tái định cư cho các vùng có dự án thủy điện, vùng thiên tai, biên giới.

Chung băn khoăn với đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu vấn đề đang có sự chậm trễ trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong ban hành chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tái định cư ở các dự án thủy điện. Sự chậm trễ này theo đại biểu có nguyên nhân do sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa đồng bộ. Đại biểu dẫn chứng: Theo số liệu, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 47%. Tỷ lệ này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có triển khai các dự án thủy điện còn lớn hơn nhiều, có nơi trên 80%. Đồng bào thiểu số đang mong mỏi sớm có chính sách trên để đời sống bớt khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời trước Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Quốc hội và khẳng định rõ chính sách đặc thù này có được ban hành không? Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có câu trả lời cụ thể để các đại biểu Quốc hội báo cáo cử tri cả nước.

Khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chưa giảm

Tại phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã giải trình một số nội dung liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó trọng tâm là khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai và các giải pháp để phòng chống tham nhũng hiệu quả. Ông cho biết trong năm 2014, đã phát sinh hơn 81 nghìn đơn khiếu nại, tố cáo. Riêng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm hơn 68,2% tổng số vụ khiếu nại, tố cáo. Tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp, gay gắt, đông người, tạo điểm nóng vẫn chưa giảm. Nguyên nhân là do các quy định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai vẫn chưa theo kịp tình hình thực tế, công tác quản lý đất đai còn nhiều yếu kém. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, trình độ, năng lực của cán bộ còn chưa tốt, công tác tiếp dân chưa kịp thời… 

Đến tháng 10 năm nay, đã có 500/528 vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài được giải quyết. Liên quan đến vụ việc của nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội, vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư và chưa có kết luận cụ thể.

Phát biểu cuối phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ trân trọng lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ nỗ lực tập trung cao hơn vào công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là những vấn đề đang tồn tại như tái định cư thủy điện, công tác cai nghiện… Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Sau phiên họp này, Chính phủ sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra hiệu quả việc thực hiện một số vấn đề cụ thể đã nêu trong các Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn; xác định và phân công rõ hơn trách nhiệm Bộ trưởng, Trưởng ngành trong xử lý các vấn đề mà Quốc hội và cử tri đã nêu. Thủ tướng Chính phủ sẽ có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc quyết liệt hơn, tần suất cao hơn, thường xuyên hơn những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra và đưa vào Nghị quyết chất vấn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội