Nhiều ý kiến thảo luận của ĐBQH về cơ hội, thách thức cũng như đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực khi Việt Nam tham gia CPTPP, đã được các đại biểu đưa ra tại phiên thảo luận sáng nay (5/11).
Sáng ngày 5/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Sáu, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, QH đã thảo luận ở Hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Thảo luận luận về vấn đề này, đa số các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn. Bên cạnh đó, việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do khác.
Không ít thách thức
Bên cạnh những cơ hội thì không ít ĐBQH cũng chỉ rõ, hiệp định cũng tạo nên không ít thách thức. ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, báo cáo thuyết minh của Chính phủ đã chỉ ra khá nhiều thuận lợi khi Việt Nam tham gia CPTPP. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam. ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) thống nhất với sự cần thiết và ủng hộ QH phê chuẩn Hiệp định CPTPP vì đã bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và Luật Điều ước quốc tế. Theo Tờ trình của Chính phủ, tham gia CPTPP sẽ tác động mạnh đến một số ngành kinh tế, dự kiến tạo ra mức tăng trưởng lớn nhất đối với các ngành: thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hoá chất… Tuy nhiên, theo đại biểu đây là những ngành kinh tế thâm dụng lao động, khó nâng cao năng suất lao động và bảo đảm việc làm bền vững. Do đó, việc thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng việc làm trong các lĩnh vực này cần phải được đánh giá một cách khách quan trên phương diện là thách thức lớn hơn cơ hội. Trong đó, có thách thức về năng suất lao động, tiền lương thu nhập, khả năng đáp ứng nguồn nhân lực khi lợi thế nguồn nhân lực giảm dần trong bối cảnh già hóa, dân số, ĐB Bùi Sỹ Lợi nêu rõ.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh)
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, khi tham gia CPTPP, doanh nghiệp nước ta cũng phải chịu nhiều thách thức. Hiệp định CPTPP không chỉ đề cập đến lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại mà còn xử lý những vấn đề mới như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước. Sự cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay cả tại thị trường trong nước ở 3 cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn tại sân nhà. Điều này sẽ tạo nên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam trong cạnh tranh với quốc gia khác ngay thị trường trong nước. Hơn nữa, khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng gia tăng.
Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội), nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn, điều đó có nghĩa nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Nếu muốn ổn định, đương nhiên chúng ta phải giữ được cam kết quốc tế, thị trường bên ngoài. Nên tham gia CPTPP là cơ hội rất lớn, nhưng cũng nhiều thách thức, khó khăn.
"Thời điểm này, chúng ta không cần dành nhiều thời gian cho việc thảo luận có nên hay không nên tham gia CPTPP. Mà quan trọng nhất là bây giờ cần làm rõ xem, chúng ta sẽ hành động như nào để tập trung được những lợi thế, những cơ hội có thể có được khi tham gia CPTPP và hạn chế đến mức thấp nhất những tác động bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước" - đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cần có phương án, kế hoạch hành động cụ thể
Các ý kiến cho rằng, để tận dụng cơ hội mà Hiệp định mang lại khi được QH phê chuẩn, đòi hỏi cần có phương án, kế hoạch hành động cụ thể. ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho rằng, báo cáo của Chính phủ trình QH mới chỉ liệt kê các văn bản pháp luật sẽ phải sửa đổi hay ban hành mới theo yêu cầu của Hiệp định. Điều đó là cần nhưng chưa đủ. Chúng ta chưa có bất kỳ dự kiến nào về việc sửa đổi hay ban hành mới các chính sách, văn bản tuy không phải do Hiệp định trực tiếp yêu cầu nhưng cần thiết phải điều chỉnh dưới tác động của Hiệp định.
Theo đại biểu, cần dự kiến được các phương án cụ thể để không chỉ thực thi Hiệp định một cách nghiêm túc mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan, không chỉ cần tuân thủ mà còn phải biết chủ động vận dụng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì lợi ích của doanh nghiệp, quốc gia, dân tộc. Đồng thời, trong Chương trình hành động thực thi Hiệp định cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn... Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi Hiệp định này sẽ là một thất bại, ĐBQH Vũ Tiến Lộc nói.
ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực chất lượng. Về thương mại, bên cạnh việc thực thi nghiêm túc các cam kết mở cửa thị trường, chúng ta cần hết sức coi trọng sử dụng các công cụ, biện pháp phòng vệ phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế để bảo vệ và phát triển sản xuất cũng như thị trường trong nước. Tham gia CPTPP không phải chỉ là cuộc chơi của Chính phủ hay các nhà hoạch định chính sách, mà quan trọng nhất chính là lực lượng xung kích doanh nghiệp. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Lê Thu Hà nêu rõ đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi tư duy trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm doanh nghiệp đối tác, tạo sức hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả, nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
3 vấn đề lớn liên quan CPTPP
Liên quan Hiệp định CPTPP, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã báo cáo giải trình thêm với các vị ĐBQH về 3 vấn đề lớn.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Thứ nhất, về việc đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong quá trình đàm phán Hiệp định này, bằng nhiều biện pháp khác nhau, Chính phủ đã tổ chức nhiều hình thức để lấy ý kiến rộng rãi của các hiệp hội cũng như các ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá Hiệp định này. Đây là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của Hiệp định CPTPP và sau khi đàm phán xong Hiệp định này, Chính phủ đã đưa lên mạng từ tháng 2/2016 toàn văn Hiệp định TPP và Hiệp định CPTPP. Thực tế lấy toàn bộ văn bản của Hiệp định TPP và chỉ miễn, tạm hoãn thực hiện 20 lĩnh vực trong sở hữu trí tuệ, đã được đưa lên để lấy ý kiến tham gia của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của Hiệp định CPTPP.
Sau khi đàm phán, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đánh giá, định lượng về tác động của Hiệp định này đối với các chỉ số kinh tế cơ bản và tổng quát như tăng trưởng GDP, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cung như tác động đến các lĩnh vực sản xuất trong nước và đánh giá tác động này đã được gửi kèm theo báo cáo của Chính phủ đến các vị đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, các chuyên gia độc lập của Ngân hàng Thế giới cũng có báo cáo, nghiên cứu rất sâu về đánh giá tác động của Hiệp định TPP trước đây và Hiệp định CPTPP cũng như tác động đối với các nền kinh tế trong đó có Việt Nam. Đây là nguồn tham khảo quan trọng khi chúng ta đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP. Cũng như báo cáo của Chính phủ đã nêu, chủ yếu các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được bảo đảm, chúng ta cũng giành được những bảo lưu và linh hoạt cụ thể để thực hiện Hiệp định này một cách hiệu quả và có lợi cho đất nước.
Trong quá trình thực thi Hiệp định, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành thường xuyên cập nhật đánh giá tác động đến tổng thể nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực cụ thể để xây dựng các giải pháp điều hành một cách phù hợp sau khi phê chuẩn Hiệp định này. Chính phủ đã có báo cáo kèm theo trong báo cáo giải trình của Chính phủ, trong đó có Phụ lục 7 đưa ra những định hướng cơ bản cho việc thực thi Hiệp định và tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương và phối hợp với các bộ ngành để xây dựng kế hoạch chi tiết phân công lộ trình triển khai một cách chủ động và các nội dung của kế hoạch đưa ra trong bản thuyết minh của Chính phủ cũng nêu những định hướng lớn, đề ra những chương trình hành động cụ thể để triển khai Hiệp định này.
Thứ hai, đối với vấn đề lao động, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chủ yếu khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động đã nêu trong tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Việt Nam với tư cách là thành viên của ILO cũng như các thành viên của Hiệp định CPTPP có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi. Trong các điều khoản này có điều khoản cho phép thành lập các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Quy định của ILO cũng khẳng định là tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại, phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký với cơ quan Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Các tổ chức của người lao động không được có các hoạt động nào có khả năng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an ninh và không được hoạt động ngoài tôn chỉ mục đích và điều lệ đã được đăng ký và được cho phép. Theo kết quả rà soát của Chính phủ, để thực hiện cam kết về lao động trong Hiệp định CPTPP thì Việt Nam chỉ cần sửa Bộ luật Lao động.
Tuy nhiên, cũng như đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu, Luật Công đoàn năm 2012 đúng là có những mối liên hệ nhất định đối với Bộ luật Lao động, do đó sau khi sửa đổi Bộ luật Lao động và được Quốc hội thông qua trong thời gian tới thì Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và sẽ đề xuất sửa đổi Luật Công đoàn (nếu cần) còn cho đến nay, qua rà soát thấy rằng không phải điều chỉnh Luật Công đoàn nên Chính phủ không đề xuất.
Thứ ba, về quá trình sửa đổi luật, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong báo cáo thuyết minh của Chính phủ đã nêu là qua quá trình rà soát 265 văn bản cho đến nay, Chính phủ chỉ đề nghị bổ sung, sửa đổi 8 luật, trong đó có 2 luật, một luật đã được thông qua và các điều khoản trong luật này đều đáp ứng cam kết của chúng ta trong Hiệp định CPTPP. Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay đang trình Quốc hội thông qua, những điều khoản hiện nay trong luật này đã đáp ứng được Hiệp định CPTPP.
Còn lại 6 luật thì 3 luật gồm Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ sửa sau và chúng ta có lộ trình theo đề xuất của Chính phủ trong thời gian tới. Còn 3 luật khác là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm đã được đưa vào lộ trình trong báo cáo của Chính phủ và Chính phủ đề xuất một luật sửa nhiều luật theo thủ tục rút gọn, có thể trình vào kỳ họp thứ 7 tới. Chính phủ sẽ giao cho các bộ, ngành liên quan dự thảo luật trình Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.