Tập trung xử lý các dự án thua lỗ do Bộ Công Thương quản lý

Nguyên Bình| 01/11/2017 19:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quản lý đầu tư công, giải pháp cho các dự án thua lỗ...là các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 diễn ra ngày 1/11.

Xử lý 12 dự án thua lỗ rất chậm

Các đại biểu nhận định: Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn thì những kết quả đã đạt được trong năm 2017 là rất đáng trân trọng. Đặc biệt là thành tích ổn định kinh tế vĩ mô; kỷ luật tài chính được kiểm soát chặt chẽ. Chính phủ đã rất cầu thị khi nêu rõ những hạn chế và giải pháp khắc phục về quản lý khoáng sản, tài nguyên; thực thi pháp luật chưa nghiêm; bộ máy hành chính còn cồng kềnh; nhiều dự án đầu tư thua lỗ kéo dài;...

Do vậy, năm 2018, ông đề nghị mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% vì dư địa tăng trưởng vẫn còn; tiếp tục kéo giảm bội chi ngân sách ở mức 3,5%; nâng chỉ tiêu về môi trường…Cùng với đó, Chính phủ có gói giải pháp đồng bộ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ (lãi suất) doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp bởi đây là lợi thế quốc gia; tăng đầu tư kết cấu hạ tầng vào khu vực ĐBSCL;...

Đại biểu Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, sự quyết liệt của Chính phủ đã tạo niềm tin và sự phấn khởi để người dân và doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đại biểu có ý kiến với một số nội dung về cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển nông nghiệp bền vững; có lộ trình cụ thể, khả thi xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ kéo dài; đảm bảo chất lượng tăng trưởng gắn với giải quyết việc làm. Tiếp đó là  nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho người lao động; phát huy vai trò Chính phủ kiến tạo, phục vụ trong cung cấp dịch vụ công với phương châm thân thiện, đúng hẹn; xây dựng cơ chế để người dân, doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính và phải có chiến lược quốc gia để thúc đẩy phát triển kinh tế số;...

Tham luận về phát triển công nghiệp 4.0, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng cần định vị rõ Việt Nam đang đứng ở đâu trong “sân chơi” này để xác định cơ hội và giải pháp hành động phù hợp. Khó khăn là rất lớn, nhưng cơ hội cũng mở ra đối với Việt Nam, nên có giải pháp cho đầu tư phát triển công nghệ 4.0, cũng như việc phát triển các khoa học công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, rô bốt, phát triển kinh tế chia sẻ... Cần điều chỉnh cơ cấu kinh tế, hướng vào dịch vụ du lịch, logistic, bán lẻ; xác định rõ trọng điểm đầu tư các ngành nghề; phát triển nguồn nhân lực công nghệ. Đối với những ngành nghề như tài chính, ngân hàng, giao thông thế giới đã tiến rất xa, “chúng ta cần mạnh dạn đầu tư để đi tắt, đón đầu”, ông Thường nhấn mạnh...

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đánh giá cao sự nhìn nhận thẳng thắn của Chính phủ về 6 nhóm tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, và một số hạn chế cần được phân tích thấu đáo, có giải pháp xử lý căn cơ. Cụ thể, chưa tập trung đồng bộ, xử lý các dự án thua lỗ nặng, đặc biệt là 12 dự án của Bộ Công Thương đến nay, việc xử lý rất chậm. Các bộ, ngành rà soát xem còn bao nhiêu dự án thua lỗ và đã có giải pháp được đặt ra. Theo đại biểu, phải có giải pháp quyết liệt gắn với cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để báo cáo với Quốc hội và thông tin tới cử tri.

Tập trung xử lý các dự án thua lỗ do Bộ Công Thương quản lý

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu

Chính phủ quyết liệt nhưng còn một số bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương vẫn chưa sâu sát, chưa chủ động tháo gỡ cho người dân, chậm xử lý kiến nghị đề xuất. Vì vậy, ngoài giải pháp về kinh tế vĩ mô, ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục phát triển chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2018, đại biểu đề nghị sớm khắc phục những yếu kém trên, tạo niềm tin, động lực cho tăng trưởng bền vững với giải pháp thiết thực, kịp thời từ Chính phủ xuống đến các bộ, ngành, địa phương.

Chấn chỉnh kỷ cương đầu tư công

Theo đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh), đầu tư công và công tác quản lý đang có nhiều vấn đề cần lưu ý. Đó là việc tháo gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công; xử lý các dự án thua lỗ yếu kém; đẩy mạnh đổi mới thể chế, cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm chi thường xuyên, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư cho phát triển;…

Đồng quan điểm, đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) đề nghị chấn chỉnh kỷ cương trong đầu tư công. Theo ông, người dân đang rất quan tâm đến vấn đề này. Vốn đầu tư phân bổ rất chậm, thời gian từ nay đến cuối năm còn 2 tháng, dễ tạo ra sức ép giải ngân để đạt mục tiêu về chi ngân sách. Phân cấp đầu tư, thủ tục đầu tư trong tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công còn nhiều bất cập. Trong các văn bản pháp luật hiện hành đề ra nhiều biện pháp công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đấu thầu qua mạng, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xe qua trạm thu phí BOT là những việc cụ thể cần làm ngay.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình nội dung liên quan đến 12 dự án tồn đọng như các đại biểu nêu.

Theo đó, việc xử lý 12 dự án này rất phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau và phần lớn đều có những vấn đề mà nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Để giải quyết tồn đọng của các dự án, đảm bảo hiệu quả trong quản lý và nguồn lực của nhà nước thì phải làm một cách đồng bộ, đánh giá lại những nguyên nhân, vướng mắc và  hướng giải quyết. Vì vậy, trong năm 2016 và 2017, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo về mặt cơ chế là thành lập những Ban chỉ đạo của Chính phủ để đánh giá tổng thể, toàn diện, kết hợp với kiểm tra cụ thể trên các dự án để tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết; xử lý triệt để những tổ chức và cá nhân vi phạm.

Bộ trưởng khẳng định: năm 2018 sẽ tập trung giải quyết về cơ bản những dự án tồn đọng này, đến năm 2020 sẽ giải quyết triệt để toàn bộ, đồng bộ tất cả các khía cạnh và lĩnh vực. Tiến độ xử lý vẫn đang được đảm bảo, trong số 12 dự án này thì có 4 dự án trong lĩnh vực phân bón đã khôi phục lại hoạt động sản xuất và đang từng bước tiếp cận thị trường, hoạt động thương mại có hiệu quả, để từ đó hướng đến giải pháp bán vốn cũng như thu hồi vốn của nhà nước. Ba dự án khác trong lĩnh vực về xăng sinh học cũng đang khởi động và tiếp tục tổ chức lại. Năm 2018 sẽ hoạt động thương mại tham gia thị trường và cũng là cơ sở để chúng ta giải quyết triệt để được các dự án này. Các dự án như gang thép Thái Nguyên, thép Việt - Trung cũng đang có những bước triển khai cụ thể trong việc rút vốn nhà nước (cũng như giải quyết những tồn tại với các nhà thầu nước ngoài) để chúng ta có cơ sở giải quyết khía cạnh thương mại về công nghệ ở trong nước của dự án.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, nguyên nhân yếu kém của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là do cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ. Doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, khó tiếp cận vốn, công nghệ, nhân lực nên chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị lớn...Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, xây dựng một loạt chính sách để hỗ trợ.

Đề nghị lùi thay đổi cách tính lương hưu từ 1/1/2018

Quy định về việc hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) đề xuất lùi thời gian thực hiện quy định trên để đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ. Cùng với đó là sửa đổi Luật BHXH khi thực hiện đề án cải cách tiền lương.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, đã đề nghị với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu để báo cáo Chính phủ đề xuất điều chỉnh việc thực hiện cách tính lương hưu mới. Theo đại biểu, tính đến ngày 1/1/2018 chúng ta có khoảng 50.000 phụ nữ dự kiến về hưu, trong đó có 21.000 phụ nữ đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm đến dưới 30 năm và số người chịu tác động lớn nhất từ 5% đến 10% có 4.000 người. Nếu chúng ta kéo dài lộ trình cho phụ nữ thêm 5 năm để hưởng đúng theo 3%, không phải là 2% trước đây thì tác động đến quỹ bảo hiểm xã hội không lớn.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan liên quan, Chính phủ nghiên cứu thực hiện lộ trình cho nữ giới giống như nam giới, để tránh việc người phụ nữ cảm thấy hụt hẫng và thua thiệt nhưng chưa thấy cơ quan nào đề xuất. Quan điểm của Ủy ban các vấn đề xã hội là ủng hộ cho kéo dài thêm mấy năm tính theo công thức cũ để phụ nữ đỡ thiệt thòi so với nam giới. Vì vậy đề nghị Quốc hội, UBTVQH ủng hộ để chúng ta vẫn áp dụng cách tính lương hưu như cũ.

Theo Luật BHXH 2014, từ ngày 1/1/2018, nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (lên đến 10%). Theo ý kiến của đa số người dân, về nguyên tắc, phụ nữ phải đóng BHXH 30 năm để hưởng 75% lương cơ bản là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, áp dụng ngay như Luật BHXH 2014 sẽ gây “sốc” và thiệt thòi cho phụ nữ nên cần phải cân nhắc, tính toán cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung xử lý các dự án thua lỗ do Bộ Công Thương quản lý