Sáng mai (28/12), Tổng Bí thư dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương

Trọng Bằng| 27/12/2017 20:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sắp diễn ra, nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy sự nhất quán về quan điểm của Đảng, Nhà nước trong chỉ đạo điều hành.

Sáng mai (28/12), Tổng Bí thư dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày mai (28/12), Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2018 sẽ khai mạc. Theo chương trình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự cuộc họp trực tuyến thường kỳ của Chính phủ với các tỉnh, thành. Trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, từ trước tới giờ Tổng Bí thư mới chỉ xuất hiện tại các kỳ họp của Quốc hội.

Cuộc họp trực tuyến của Chính phủ lần này có tính chất đánh giá, tổng kết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2017, đồng thời bàn việc chuẩn bị triển khai ngay công việc năm 2018 - năm giữa nhiệm kỳ Chính phủ.

Trước đó, trả lời báo chí, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ cũng như tất cả các địa phương đều mong Tổng Bí thư dự cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành lần này.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phân tích, nhiệm vụ của Chính phủ cũng như hệ thống cơ quan hành chính là là thực hiện cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng và Quốc hội đề ra. Vậy nên, kỳ họp cuối năm, tổng kết những kết quả đạt được của cả năm cần sự nhìn nhận của không chỉ Chính phủ, khối cơ quan điều hành mà có sự xem xét, đánh giá của các cơ quan khác sẽ đảm bảo tính khách quan, thực chất hơn.

“Việc mời Tổng Bí thư dự họp và phát biểu chỉ đạo là để có sự đánh giá thêm về những việc làm được và chưa được của cơ quan điều hành trong năm qua. Sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư cũng để khắc phục tình trạng “trên nóng dưới không nóng, trên nóng dưới… vẫn lạnh” hiện nay. Có thông điệp quyết liệt từ người đứng đầu hệ thống sẽ mang lại hiệu quả lớn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Liên quan sự kiện này, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên cho rằng, đây là thời điểm tròn hai năm sau Đại hội XII của Đảng, cũng là bắt đầu năm bản lề quan trọng của nhiệm kỳ năm năm. Vậy nên Tổng Bí thư thấy cần có thông điệp gửi tới Chính phủ cũng như lãnh đạo các địa phương.

“Phát triển kinh tế, xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không phải của riêng Chính phủ. Cuộc họp cuối năm này, ở địa phương không chỉ có các Chủ tịch UBND mà cả các đồng chí Bí thư, đứng đầu đảng bộ tỉnh, thành. Tổng Bí thư dự, phát biểu là rất có ý nghĩa”, ông Nguyễn Văn Nên nói.

Các chuyên gia cũng có những nhận định rất tích cực, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng đây là sự kiện đặc biệt cho thấy sự nhất quán về quan điểm của Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Chính phủ về cách thức tổ chức điều hành, phát triển nền kinh tế, tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cũng là thể hiện sự ủng hộ của Tổng Bí thư, các cơ quan của Đảng với Chính phủ.

Mặt khác, việc Tổng Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị này cũng sẽ gửi thông điệp tới các tỉnh, thành phố trong bối cảnh có nhiều vụ việc vừa xảy ra tại các địa phương thu hút sự chú ý của người dân và dư luận.

Theo ông Huỳnh Thế Du (Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam), công cuộc phòng chống tham nhũng dưới sự quyết tâm và chỉ đạo của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã đem lại những chuyển biến hết sức tích cực thời gian qua. Ở góc độ Chính phủ, trong bối cảnh chịu rất nhiều ràng buộc và giới hạn cộng với tâm lý kém hồ hởi bao trùm, cách tiếp cận hành động của Thủ tướng là rất trúng.

Sau hơn một năm, mọi chuyện đã chuyển biến hết sức tích cực, được thể hiện ở việc tất cả các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm nay đều cán đích; ở sự đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế với sự thăng hạng ngoạn mục của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và dự báo tăng trưởng; và sự sôi động của thị trường chứng khoán.

“Có thể mỗi người có những đánh giá ở những góc độ khác nhau, và tính chính xác của số liệu thống kê nước ta vẫn là vấn đề muôn thuở. Tuy nhiên, sự ấm lên của nền kinh tế Việt Nam và những tín hiệu tích cực là khó có thể phủ nhận”, ông Du nhận định.

Ông Huỳnh Thế Du cho rằng, trong bối cảnh như vậy, việc Tổng Bí thư sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo cuộc họp cuối năm của Chính phủ với các địa phương cho thấy sự gắn kết, thống nhất. Sự kiện này cũng khẳng định mục tiêu của Đảng chống tham nhũng là để làm lành mạnh hệ thống nhằm đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế có tính bao trùm.

Cộng với sự ủng hộ và chung tay của các địa phương, doanh nghiệp và đông đảo trí thức cũng như người dân thì cơ hội tình hình chuyển biến theo hướng tích cực là rất lớn.

Phân tích sâu hơn trên Báo Chính phủ, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng hiện nay không chỉ người dân và doanh nghiệp trong nước mà cả cộng đồng quốc tế cũng đang theo dõi sát các hoạt động của Đảng, nhất là của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Các chủ trương, quyết định của Đảng trong thời gian qua vừa hỗ trợ, vừa đóng vai trò kim chỉ nam cho Chính phủ trong việc xây dựng một bộ máy liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.

Theo bà Phạm Chi Lan, việc xử lý một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, vừa qua đều gắn với công tác phòng chống tham nhũng. Đây là việc làm rất cần thiết, rất ý nghĩa, tác động mạnh tới doanh nghiệp bởi môi trường kinh doanh lành mạnh là một trong những vấn đề quan tâm lớn nhất cả doanh nghiệp hiện nay. Những quyết định của Đảng hỗ trợ trực tiếp việc xây dựng Chính phủ liêm chính.

“Vấn đề rất quan trọng khác là việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, tôi mong sẽ được làm mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất. Nếu giảm được đầu mối, giảm biên chế, cắt giảm chi tiêu… sẽ có tác động đồng bộ với các giải pháp của Chính phủ”, bà Phạm Chi Lan nhận định.

Theo vị chuyên gia, hiện nay bộ máy đang trùng lặp rất nhiều về chức năng, nhiệm vụ, một việc giao nhiều cơ quan khác nhau. Do đó, việc sắp xếp bộ máy phải đi cùng việc làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, từng cá nhân, từ đó sẽ nâng cao hiệu lực hiệu quả trong điều hành, cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp.

Bà Chi Lan cũng đề nghị trong thời gian tới, việc sắp xếp bộ máy sẽ tạo điều kiện cho việc tiến tới xử lý cả các cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc năng lực hạn chế, chứ không chỉ là cán bộ tham nhũng, như thế sẽ có tác động  mạnh hơn, tốt hơn. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng có thể giúp theo dõi toàn bộ tiến độ thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, ai chậm trễ sẽ bị xử lý ngay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng mai (28/12), Tổng Bí thư dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương