Quốc hội thảo luận tổ: "Nóng" vấn đề Thủ Thiêm và tình trạng tăng khiếu nại trong dân

Nhóm PV| 24/10/2018 16:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 24/10, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó tình trạng khiếu nại, kiện cáo trong dân và xử lý vụ việc Thủ Thiêm là vấn đề quan tâm của nhiều đại biểu.

Quốc hội thảo luận tổ:

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Tây Ninh và Đà Nẵng thảo luận ở tổ. 

Còn khiếu nại là vì ít khi chủ tịch xã, huyện tiếp dân

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hoà Bình) và đại biểu Ngô Thanh Danh (đoàn Đắk Nông) cho biết thời gian qua, cử tri, nhân dân cả nước cảm thấy tin tưởng, phấn khởi với hình ảnh nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, thường xuyên tới những vùng khó khăn, vùng thiên tai địch hoạ để chỉ đạo công tác cứu trợ, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất cho nhân dân...

Tuy nhiên, các đại biểu này cũng cho rằng, nhiều cấp lãnh đạo khác lại chưa thể hiện được sự quan tâm tới nguyện vọng của dân chúng, thể hiện ra bằng việc không gặp dân và hiệu quả xử lý những vướng mắc của dân thấp, làm tăng khiếu kiện đông người, như báo cáo của Ban Dân nguyện, Mặt trận Tổ quốc những năm qua.

Trong quá trình làm việc, Ban Dân nguyện tính toán một nửa số tỉnh, thành phố trong cả nước không báo cáo rõ được số liệu về lãnh đạo cấp xã thực hiện quy định tiếp dân định kỳ. “Chỉ có 25-30% lãnh đạo cấp xã thực hiện được quy định này”. Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết.

Trong khi đó, ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bà Hải cho biết Chủ tịch UBND tỉnh lại uỷ quyền cho Phó Chủ tịch, có lúc gặp 2 Phó Chủ tịch khác nhau nên phải mất thời gian trình bày lại từ đầu, rồi hiệu quả thực thi kém đi, không đáp ứng được yêu cầu của dân nên họ lại khiếu kiện vượt cấp.

Do đó, bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng tiếp công dân phải gắn liền với thẩm quyền giải quyết với chức danh có quyền hạn xử lý công việc và đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo cấp dưới thực thi.

Trong phần phát biểu mang tính chia sẻ của người đứng đầu Chính phủ tại phiên thảo luận Tổ cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (đoàn đại biểu Hải Phòng) nêu rõ, bên cạnh việc phát triển kinh tế, chúng ta phải tiến hành mạnh mẽ chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm cần đặt ra ở các cấp, các ngành. Nguyên tắc khi thảo luận về Luật Phòng chống tham nhũng là tôn trọng quyền con người, tài sản công dân. Quan điểm trong công cuộc này là phải làm nghiêm túc, nếu không tốt gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

Quốc hội thảo luận tổ:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24/10

Trong báo cáo của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội nhấn mạnh, ý chí dân tộc mạnh mẽ hơn, khát vọng phát triển tốt hơn. Người Việt Nam thông minh nhanh nhẹn, nhận thức tốt cần hợp tác, có ý chí, quyết tâm trong công việc, không bỏ lưng chừng.

Mỗi người dân, mỗi tổ chức, đặc biệt người có trách nhiệm phải có khát vọng trong phát triển, có nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong phát triển mới có thể đưa đất nước tiến lên.

Người ta hay nói: "Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", cứ lưng chừng công việc như thế, không có hành động quyết liệt thì cuộc cách mạng khó chuyển biến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tinh thần phải dựa vào dân, phục vụ nhân dân, giải quyết tâm tư nguyện vọng cho dân. Tình trạng người dân vẫn còn khiếu nại là vì ít khi chủ tịch xã, huyện tiếp dân lắm hoặc tiếp không đến nơi đến chốn, không có trách nhiệm với nhân dân. Đối thoại là kênh rất quan trọng để dân thấy được nguyện vọng của mình được lắng nghe.

“Dân tộc Việt Nam với 100 triệu dân phải làm sao chung một ý chí quyết tâm thì sẽ có chuyển biến rất mạnh mẽ. Nếu phát động được quần chúng, giám sát, thúc đẩy thì nhiều việc tốt sẽ được làm mà không tốn kém tiền bạc.

Chính phủ sẽ lắng nghe, tiếp thu để chất lượng công việc năm 2019 tốt hơn, để người dân cảm thấy Quốc hội, Chính phủ lo cho dân” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Không áp đặt, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân Thủ Thiêm

Thông tin về xử lý vụ việc Thủ Thiêm, tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế-xã hội sáng 24/10, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn đại biểu Quối hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, những vấn đề người dân chưa đồng thuận, Ủy ban Nhân dân Thành phố, đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Quốc hội phải lắng nghe đầy đủ, ghi nhận, cầu thị và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để lãnh đạo, chỉ đạo tiếp trong thời gian tới.

Tinh thần chung là bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, có sự thảo luận với người dân để bảo đảm quyền lợi theo pháp luật quy định, không áp đặt.

Quốc hội thảo luận tổ:

Hiện người dân Thủ Thiêm rất ngại áp đặt một mức giá hoặc một phương án đền bù nào đó. “Nhưng lãnh đạo thành phố khẳng định là không áp đặt, phải căn cứ vào các quy định của pháp luật theo từng thời điểm để thảo luận với người dân, tạo sự đồng thuận. Quan điểm chung của Ban Thường vụ là bảo đảm quyền lợi của người dân một cách tốt nhất, nhưng phải đúng quy định của pháp luật, hài hòa lợi ích của người dân, tổ chức, nhà nước, nhà đầu tư,” đại biểu khẳng định.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, hiện những việc thành phố đang làm đều bám sát kết luận của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng và của Ban Thường vụ Thành ủy, có sự giám sát đối với Ủy ban Nhân dân thành phố trong quá trình tổ chức thực hiện và có lắng nghe tất cả ý kiến. Thành phố sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc để bà con có thể nói hết được ý kiến của mình.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay, trước khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc để thanh tra và kiểm tra, Ban thường vụ Thành ủy đã có chỉ đạo để giải quyết những bức xúc, khiếu nại, kiến nghị của người dân.

Tuy nhiên, có những việc có cơ sở để giải quyết, nhưng cũng có những việc đã qua quá nhiều thời gian, nhiều đời lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy rất khó khăn về cơ sở pháp lý, như vấn đề bản đồ, quy hoạch, điều tra xác minh làm rõ các cơ sở pháp lý khi lập hồ sơ đền bù...

“Ngay cả Hội đồng Nhân dân thành phố, chúng tôi cũng giám sát, tiếp dân và giải quyết được một số vấn đề cụ thể, nhưng về tổng thể thì gặp khó khăn trong quá trình giải quyết các kiến nghị của người dân," đại biểu Tâm nói.

Theo đại biểu, có kết luận của Thanh tra Chính phủ, khẳng định việc gì Thành phố Hồ Chí Minh làm đúng để tiếp tục triển khai thực hiện, nếu người dân không đồng tình hoặc chưa đồng thuận cao về vấn đề đó thì cũng có cơ sở để thuyết phục, tạo sự đồng thuận, triển khai tiếp đối với khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Còn đối với những vấn đề Thanh tra Chính phủ kết luận là sai, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, thành phố cũng có cơ sở để xem xét và có biện pháp khắc phục.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận tổ: "Nóng" vấn đề Thủ Thiêm và tình trạng tăng khiếu nại trong dân