Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án

Ngọc Mai| 16/06/2020 07:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (16/6), Quốc hội thảo luận tại Hội trường 2 dự án Luật và biểu quyết thông qua 2 Luật trong đó có Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án.

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường về các nội dung sau: Biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án;

Cũng trong buổi làm việc này Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án

Các đại biểu thảo luận tại hội trường trong phiên họp ngày 15/6/, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV

Trước đó, ngày 15/6/2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 7, đợt 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tiếp tục điều hành phiên thảo luận (cả ngày) ở Hội trường về: i) Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; ii) Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Tại phiên thảo luận đã có 42 đại biểu phát biểu, 07 đại biểu tranh luận. Tiếp tục không khí thảo luận sôi nổi, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 13/6, trong phiên thảo luận hôm nay, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể như sau:

1. Về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020:

Về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch năm 2019, các đại biểu cho rằng, năm 2019 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng là năm thành công khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, mục tiêu đã đề ra; các chỉ tiêu đánh giá bổ sung đều cao hơn số đã báo cáo Quốc hội, nhất là về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tinh giản biên chế, phòng chống tham nhũng, lãng phí đạt được kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm... có những chuyển biến tích cực. Đời sống, kinh tế, văn hóa tinh thần của nhân dân, an sinh xã hội tiếp tục được cải thiện. Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với đánh giá của Chính phủ về các tồn tại, hạn chế và phân tích sâu sắc thêm, đồng thời mong muốn Chính phủ có những giải pháp tích cực để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.

Về kết quả thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2020, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác phòng chống đại dịch, giữ ổn định kinh tế - xã hội. Kết quả đạt được là do sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ, đảm bảo khả thi, đúng đối tượng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình làm trái, trục lợi chính sách. Các đại biểu Quốc hội cũng tập trung thảo luận về việc thay đổi kế hoạch dạy học, khung thời gian năm học, việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng; vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của đồng bào các dân tộc, công tác xóa đói, giảm nghèo và ở vùng sâu, vùng xa; về tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; về công tác tư pháp, thi hành pháp luật; về công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông…

Về nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với phương hướng và các giải pháp điều hành của Chính phủ trong những tháng cuối năm 2020 và cho rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, về sinh kế, về việc làm, bảo đảm đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế. Ngoài ra, để góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trong thời gian tới, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, như: xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ và ổn định; dành thêm nguồn lực đầu tư cho những hạ tầng chiến lược có vai trò kết nối vùng, liên vùng; có hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp để thu hút các tập đoàn lớn, có tiềm lực về tài chính và công nghệ; đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ; tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH vùng đặc biệt khó khăn; đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xem xét, điều chỉnh kịp thời chương trình kế hoạch xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 một cách phù hợp; đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp phục hồi, phát triển ngành du lịch trong nước; nâng cao chất lượng công tác tư pháp…

2. Về quyết toán NSNN năm 2018

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 do Chính phủ trình đã đảm bảo các yêu cầu, điều kiện để Quốc hội phê chuẩn; đồng thời, đánh giá cao và thống nhất với kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước cũng như nhiều vấn đề được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, mặc dù quản lý ngân sách nhà nước năm 2018 đã có nhiều tiến bộ, song cơ cấu thu NSNN chưa thực sự bền vững, tăng thu chủ yếu từ tài nguyên và đất đai, việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước vẫn còn những tồn tại, yếu kém, việc chấp hành kỷ luật tài chính còn chưa nghiêm, một số khoản chi quan trọng tiếp tục không đạt dự toán, tình trạng chi sai định mức, tiêu chuẩn, chế độ vẫn xảy ra; quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, nợ đọng, giải ngân chậm, ứng trước, chuyển nguồn lớn và hiệu quả đầu tư thấp; việc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước còn hạn chế. Các đại biểu yêu cầu cần phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường quản lý tài sản công, tài chính công.

Trong quá trình thảo luận, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định không khí thảo luận, tranh luận trong 2 ngày làm việc vừa qua rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nội dung, ý kiến rất phong phú, đa dạng, sâu sắc và bao quát mọi lĩnh vực, vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, đặc biệt là những ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của đời sống KT-XH nước ta. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, nhiều đại biểu thống nhất với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị đưa các nội dung sau vào Nghị quyết chung của Kỳ họp:

Một là, chưa điều chỉnh các chỉ tiêu KTXH, NSNN năm 2020 theo các Nghị quyết của Quốc hội, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Hai là, Chính phủ cần chủ động điều hành trên nguyên tắc của Luật NSNN giảm thu đồng thời với giảm chi tương ứng. Trước hết phải tăng cường tiết kiệm chi, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên còn lại của năm 2020. Đối với các khoản chi cần thiết nhưng thiếu nguồn thì sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác. Trường hợp sau khi sử dụng tất cả các nguồn trên mà còn khó khăn thì đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu về NSNN tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Ba là, cho phép kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021 và lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi NSNN (gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư công) để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới.

Bốn là, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công từ ngày 01/7/2020 nhằm chia sẻ những khó khăn chung của người dân và doanh nghiệp trong cả nước.

Đối với các kiến nghị như: về dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi; về ưu đãi thuế để thu hút đầu tư; về nội dung liên quan đến Luật Xây dựng đã được Quốc hội xem xét, quyết định ngay tại Kỳ họp này khi thông qua các luật và nghị quyết. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đúng quy định pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu, giải trình và chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn thiện các Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án