Với thông điệp không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng, năm 2017, nhiều cán bộ là lãnh đạo cấp cao, thậm chí là Uỷ viên Bộ Chính trị cũng đã không tránh khỏi việc đối mặt, chịu trách nhiệm những sai phạm mà cá nhân họ gây ra.
Kỳ họp thứ 19 Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Trong đó, nổi cộm là 15 cán bộ đã để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong quá trình đương nhiệm, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
1. Ông Lê Phước Thanh
Trong những ngày cuối cùng của năm 2017- ngày 29/12, tại Quảng Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận sai phạm đối với ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND Quảng Nam.
Theo kết luận này, sai phạm của ông Lê Phước Thanh là với cương vị người đứng đầu, ông chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2010-2015 và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.
Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (là con trai của ông) giữ các chức vụ (trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, PGĐ, GĐ Sở KH-ĐT) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; để UBND tỉnh quyết định cử ông Lê Phước Hoài Bảo đi học thạc sỹ tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước không đúng quy định.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định tiến hành quy trình xử lý kỷ luật ông Lê Phước Thanh. Đồng thời, yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo.
2. Ông Đinh La Thăng
Ngày 8/12/2017, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp uỷ (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từ ngày 8/12/2017 theo Quyết định khởi tố bị can số 522/C46, ngày 8/12/2017 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46, ngày 8/12/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Trước đó, cũng trong ngày 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV họp phiên bất thường, thông qua 2 Nghị quyết với sự nhất trí của tất cả Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt, về việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Ông Đinh La Thăng được xác định có liên quan đến 2 vụ án Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra: Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank)”; và vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II. Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã xem xét và thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII.
3. Ông Nguyễn Quốc Khánh
Ngày 8/12/2017 liên quan đến vụ án ở PVN, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 165 bộ luật Hình sự, ra lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”.
Trên cơ sở Tờ trình của Viện KSNDTC, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 457/NQ-UBTVQH14 ngày 08/12/2017 “Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV”.
4. Ông Nguyễn Xuân Anh
Ngày 6/10/2017, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Ngày 24/11/2017, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa 9 tổ chức kỳ họp bất thường, bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND và Đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Xuân Anh. 48/48 đại biểu có mặt biểu quyết, đồng ý bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND thành phố và Đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Xuân Anh.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Xuân Anh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ ra rằng ông Nguyễn Xuân Anh kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định; thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm. Những vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
5. Bà Phan Thị Mỹ Thanh
Tại kỳ họp thứ 15 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (diễn ra từ ngày 27 đến 30/6/2017) , Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bằng hình thức cảnh cáo.
Những vi phạm của bà Thanh trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, được Ủy ban Kiểm tra xác định là nghiêm trọng. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐTV là vi phạm Luật phòng chống tham nhũng.
Việc bà Thanh ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án là vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm; Ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực bà Thanh phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng là vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh; Kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng, Nhà nước là vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm...
6. Ông Nguyễn Phong Quang
Ngày 20/9/2017, Ban Bí thư đã xem xét và quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011 - 2016 bằng hình thức: Cách tất cả các chức vụ trong Đảng (bao gồm cách chức Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; cách chức Uỷ viên BCH Đảng bộ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; cách chức Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ).
Sai phạm của ông Quang được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ là người đã trực tiếp ký bổ nhiệm trên 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn (trong đó có trường hợp ông Vũ Minh Hoàng và Nguyễn Tiến Khoa mà dư luận và báo chí đã nhiều lần nêu).
7. Ông Nguyễn Anh Dũng
Ngày 20/9/2017, Ban Bí thư cũng xem xét và quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Anh Dũng, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương; Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng (bao gồm cách chức Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương; cách chức Bí thư Đảng uỷ Tập đoàn Hoá chất Việt Nam).
Với trách nhiệm là người đứng đầu, ông Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong việc quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng; để Tập đoàn và một số công ty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao.
8. Ông Nguyễn Văn Thiện
Ngày 25/5/2017, Ban Bí thư đã họp và quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Thiện. Trước đó, tại kỳ họp thứ 14, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định.
Theo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Văn Thiện với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 có trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong việc bổ sung quy hoạch, bổ nhiệm một số trường hợp cán bộ không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn và không đúng quy định.
9. Ông Nguyễn Minh Quang
Tại kỳ họp thứ 13 (diễn ra từ 12 và 13/4/2017) Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận về các sai phạm của ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, ông Quang phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên - Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, để Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cá nhân có nhiều vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Minh Quang.
Ngày 16/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011 - 2016.
10. Ông Võ Kim Cự
Tại kỳ họp thứ 13 (diễn ra từ 12 và 13/4/2017) Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về những sai phạm, đồng thời đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Võ Kim Cự, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Võ Kim Cự chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh giai đoạn 2008-2016 và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn từ năm 2008 đến 2010. Ông Cự đã trực tiếp ký nhiều văn bản trái quy định, như: cấp giấy chứng nhận đầu tư, cho thuê mặt nước biển nằm ngoài Khu kinh tế; đồng ý chủ trương cho Công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải...; thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án.
Ngày 16/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1200/QĐ-TTg, thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005-2010 và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Võ Kim Cự.
11. Bà Hồ Thị Kim Thoa
Ngày 8/8/2017, Ban Bí thư đã họp quyết định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và đề nghị Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Tại kỳ họp thứ 16 (diễn ra từ ngày 25 đến 27-7-2017), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (từ 1/2004-5/2010), quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Tại Quyết định 1203/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
12. Ông Vũ Huy Hoàng
Ngày 24/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 106/QĐ-TTg thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ này.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
13. Ông Nguyễn Văn Thử
Tại kỳ họp 19 (diễn ra từ ngày 7 - 9/11/2017), Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Thử, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 17, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của ông Thử. Trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông nhiệm kỳ 2010-2015, ông Nguyễn Văn Thử đã thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm trong đầu tư xây dựng Kho lưu trữ tỉnh; vi phạm quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
14. Ông Phạm Thế Dũng
Tại kỳ họp thứ 19 (diễn ra từ ngày 7 - 9/11/2017), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Phạm Thế Dũng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.
Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: ông Phạm Thế Dũng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo một số hoạt động của UBND tỉnh; vi phạm quy định về công tác tổ chức cán bộ, đề nghị quy hoạch, bổ nhiệm một số nhân sự không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không đúng quy định; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm để UBND tỉnh có nhiều vi phạm. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Phạm Thế Dũng được xác định là nghiêm trọng, để lại nhiều hậu quả khó khắc phục, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm sút uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.
15. Ông Hoàng Công Hàm
Tại kỳ họp thứ 19 (từ ngày 7 - 9/11/2017) Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Thiếu tướng Hoàng Công Hàm, Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh Quân khu 1, Bộ Quốc phòng.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, ông Hoàng Công Hàm đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.