Xung quanh vấn đề phong tướng của dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), ĐBQH vẫn có nhiều ý kiến khác nhau tại phiên thảo luận Quốc hội diễn ra chiều 6/11.
Số lượng tướng công an không quá 201 người
Về cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc Công an tỉnh được quy định trong dự thảo luật, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng-An ninh cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc quy định giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức công an nhân dân theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”.
Hiện nay, bộ máy của công an tỉnh được tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tăng thẩm quyền và thực hiện phân cấp mạnh xuống Công an cấp tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi)
Theo ông Võ Trọng Việt, dự thảo quy định giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp quân hàm cao nhất là Thiếu tướng (trừ giám đốc Công an Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là Trung tướng), song số lượng không quá 11.
Về vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng ở các đơn vị thuộc Bộ Công an, ông Võ Trọng Việt cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc thấy rằng, thực hiện chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã triển khai thực hiện mô hình tổ chức mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có sự thay đổi lớn so với mô hình tổ chức theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2014.
Theo ông Võ Trọng Việt, việc điều chỉnh tổ chức, bộ máy của công an nhân dân cần có thời gian kiểm nghiệm, đánh giá và có thể tiếp tục điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
“Về nguyên tắc, Luật càng cụ thể thì càng dễ thực hiện, tuy nhiên, đối với vấn đề này cần cân nhắc để phù hợp với thực tế. Vì vậy, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với các đơn vị thuộc Bộ; cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh; quy định số lượng vị trí của từng cấp bậc hàm cấp tướng và giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý,” ông Võ Trọng Việt cho biết.
Trong dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), cấp bậc hàm cao nhất đối với sỹ quan sẽ được quy định khống chế về số lượng. Theo đó, Đại tướng chỉ có một là Bộ trưởng Bộ Công an. Thượng tướng là Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6. Trung tướng số lượng không quá 35. Thiếu tướng số lượng không quá 159. Như vậy, lực lượng công an sẽ không có quá 201 tướng.
Có độ “vênh” rõ rệt về cấp bậc, hàm
Theo các ĐBQH, với những cải cách rất mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy của Bộ Công an hiện nay thì việc giám đốc công an một số tỉnh, thành phố được phong hàm cao nhất là thiếu tướng là hợp lý và cần thiết, nhằm tạo ra những vị tướng trong thời bình thực sự bản lĩnh, tài năng, có kiến thức và kinh nghiệm thực tế ở địa phương.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, số lượng được phong hàm tướng như dự thảo Luật là quá nhiều. Trong điều kiện nước ta ở thời bình, được thế giới ca ngợi là quốc gia ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội thì hàm tướng có cần thiết số lượng nhiều như thế hay không? Cấp tướng thì phải có quân số nhất định để chỉ huy chứ không thể mang hàm tướng mà quân số chẳng có bao nhiêu. Nhấn mạnh điều này, ĐB Phạm Văn Hòa cũng chỉ rõ, quy định về cấp bậc thiếu tướng đối với giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1, trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn bất cập với các tỉnh, thành phố còn lại. Đại biểu phân tích, hiện nay có các tỉnh, thành phố đang là đơn vị hành chính loại 2 và tiệm cận lên loại 1. Nếu sau này, các tỉnh, thành phố này lên loại 1 thì giám đốc công an ở các địa phương này có được phong hàm thiếu tướng không nếu đã đủ số lượng 11 như quy định của Luật? Nếu phong hàm thiếu tướng cho các trường hợp này thì sẽ bị vượt số lượng đã được ấn định trong dự luật là 11.
Nêu ý kiến khác, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hoá) kiến nghị Quốc hội nên quy định khung số lượng Trung ướng, Thiếu tướng trong lực lượng công an căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ. Về trần cấp hàm với giám đốc Công an tỉnh, thành, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng không nhất thiết quy định cứng tối đa 11 tỉnh được phong Thiếu tướng. Bộ trưởng Bộ Công an có thể điều động tướng về những địa phương được cấp có thẩm quyền xác định có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng nhưng phải đảm bảo không vượt quá số lượng cấp tướng theo quy định.
ĐB Cao Đình Thưởng cũng cho rằng, cần cân nhắc thận trọng quy định tại điểm c, đ, khoản 1, Điều 25 về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan công an nhân dân và chỉ ra những điểm bất hợp lý của quy định này. Cụ thể là, việc lấy tiêu chí đơn vị hành chính loại 1 để quy định cấp bậc, hàm cao nhất của giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là chưa sát với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an là bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Trên thực tế, đơn vị loại 1 về hành chính, kinh tế, dân số, diện tích chưa hẳn bao giờ cũng là loại 1 về quốc phòng an ninh và ngược lại. Nhiều tỉnh không được xếp đơn vị hành chính loại 1 nhưng lại có vị trí chiến lược về an ninh trật tự. Người đứng đầu lực lượng công an của những tỉnh này cần có cấp bậc, hàm tương đương như cấp bậc, hàm của các tỉnh xếp loại đơn vị hành chính loại 1 để thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, giám đốc công an tỉnh quản lý nhiều đầu mối, quân số lên tới hàng nghìn người nhưng chỉ có “trần” quân hàm đại tá như với cấp phòng ở Bộ là không hợp lý.
Một bất cập khác được đại biểu Nguyễn Tạo chỉ ra là, nếu chiếu theo các tiêu chí của dự thảo Luật thì hầu hết các Cục trưởng hiện nay đều có thể được thăng cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng và thiếu tướng. Trong khi đó, ciám đốc công an cấp tỉnh trừ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh loại 1 chỉ có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá. Như vậy sẽ có độ vênh rõ rệt giữa cấp bậc, hàm giữa Cục thuộc Bộ và Công an cấp tỉnh, trong khi về mặt hành chính thì đây là hai cấp tương đương. Điều này sẽ nảy sinh nhiều bất cập khi luân chuyển, biệt phái, điều động cán bộ giữa các cục và Công an tỉnh.
“Nâng cho công an thì quân đội cũng phải tính”
Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội cựu chiến binh thì nhấn mạnh: “Quy định Đại tướng, Thượng tướng không tranh cãi gì nữa. Trung tướng với giám đốc Công an 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM là đương nhiên. Nhưng với các đối tượng khác đề nghị nghiên cứu chặt chẽ về số lượng, bảo đảm chất lượng”.
“Nếu nâng cho công an thì tới đây quân đội cũng phải tính. Đã nói lực lượng vũ trang, giờ ngồi họp như nhau, 1 bên tướng, 1 bên tá thì cũng không vui lắm!” – ông Nguyễn Văn Được nêu quan điểm khi đề cập đến cấp bậc hàm của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, đồng thời cho rằng “phong tướng để cầm gậy chỉ huy quân, không nhất thiết cứ tỉnh nào loại I phải phong tướng”.
Bày tỏ đồng tình về quy định trần cấp hàm với giám đốc Công an, song đại biểu Bùi Quốc Phòng (Đoàn Thái Bình) cũng đề nghị tới đây khi xem xét sửa Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cần nâng trần quân hàm của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lên Thiếu tướng để đảm bảo tương đồng giữa hai lực lương.
Từ những phân tích trên, các ĐBQH đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét các vấn đề này để bảo đảm sự tương quan phù hợp về cấp bậc, hàm giữa các cấp trong lực lượng công an nhân dân. Dự thảo Luật nên quy định theo hướng: Giám đốc công an tỉnh, thành phố tại một số địa phương có vị trí chiến lược phức tạp và quan trọng về an ninh trật tự ngoài các đơn vị hành chính loại 1 có cấp bậc, hàm cao nhất là thiếu tướng. Đồng thời, cần bổ sung tiêu chí xác định các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vị trí chiến lược về an ninh trật tự để thống nhất thực hiện và không gây tâm tư cho các địa phương khác.
Giải trình tại phiên thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tại phiên họp ngày 19/10/2018, Bộ Chính trị đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật. Trên cơ sở quán triệt ý kiến của Bộ Chính trị, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội và của nhân dân, Ban soạn thảo đã phối hợp với UBQPAN, các cơ quan có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện một bước dự án Luật trình Quốc hội thảo luận trước khi xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này theo đúng chương trình làm việc của Quốc hội. Người đứng đầu ngành Công an cũng khẳng định cam kết với Quốc hội khi trình dự án Luật này là không tăng biên chế. Đây là điều hoàn toàn có cơ sở vì trên thực tế đây là việc đánh giá và bố trí lại lực lượng trong CAND. Chính phủ cũng đã đồng ý là từ nay đến năm 2021, Bộ Công an không tăng bất cứ một biên chế nào, toàn bộ là sắp xếp trong nội bộ và duy trì biên chế hiện có. Do đó, từ nay đến năm 2021, khi Luật CAND sửa đổi được ban hành thì cũng không tăng biên chế. Về vấn đề trang bị cho lực lượng Công an xã, ngành tính toán sẽ tăng cường 3 phương tiện: Xe máy tuần tra giao thông, phương tiện thông tin liên lạc và công cụ hỗ trợ. Kinh phí Bọ Công an tính toán bố trí. Các cơ sở công nghiệp an ninh, các nhà máy sản xuất công cụ hỗ trợ của Bộ Công an cũng có kế hoạch để đủ trang bị cho lực lượng Công an xã chính quy. Theo lộ trình, Bộ sẽ đề xuất Quốc hội cho phép xây dựng 1 dự luật về lực lượng trị an ở cơ sở, trên cơ sở tổng kết Pháp lệnh về Công an xã, Pháp lệnh về lực lượng bảo vệ ở các cơ quan, xí nghiệp và Nghị định 38 về lực lượng dân phòng ở các khu phố. |