Hạn chế thấp nhất trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội

Ngọc Mai| 08/01/2019 14:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngành Kiểm sát cần bảo đảm truy tố đúng người, đúng tội, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội, hoặc phải thay đổi tội danh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Hạn chế thấp nhất trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Sáng 8/1, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Hội nghị triển khai công tác năm 2019 của ngành Kiểm sát nhân dân.

Tham dự hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương.

Hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản của Quốc hội giao

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Viện trưởng VKSNDTC trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018 cho biết, năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân các cấp triển khai các biện pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các quy định mới của Bộ Luật tố tụng hình sự, đã kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Cùng với việc ban hành nhiều yêu cầu xác minh, giải quyết tin tố giác, tin báo, yêu cầu điều tra, Viện kiểm sát các cấp đã trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra yêu cầu khởi tố vụ án; trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra; hủy bỏ gần 800 lệnh, quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam; yêu cầu khởi tố, thay đổi, bổ sung và hủy bỏ hơn 700 quyết định khởi tố bị can.

Viện kiểm sát các cấp tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra ngay từ khi giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng. Kết quả, số vụ án được phát hiện, khởi tố mới trong năm qua là 320 vụ với 706 bị can (tăng 31,1% số vụ và 13,9% số bị can)...

Hạn chế thấp nhất trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Năm 2018 là năm giữa nhiệm kỳ khóa XII của Đảng, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Sau hơn 02 năm nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta có nhiều chuyển biến tích cực; kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và từng bước phát triển toàn diện hơn; quốc phòng được tăng cường, an ninh được giữ vững; công tác xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới; công tác cải cách tư pháp thu được nhiều kết quả tích cực; vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao... Đạt được thành tựu trên có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có đóng góp quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân.

Qua theo dõi, giám sát hoạt động của ngành Kiểm sát, báo cáo kết quả của công tác năm 2018 của Ngành, đồng chí Chủ tịch Quốc hội nhất trí và đánh giá cao kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân đạt được trong năm 2018. Với sự nỗ lực phấn đấu, đổi mới trong công tác lãnh đạo, quản lý, trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản của Quốc hội giao; các mặt công tác kiểm sát đều có chuyển biến tích cực, kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát được tăng cường, tạo môi trường ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo vệ bình yên cho cuộc sống của nhân dân.

Thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát đã đóng góp hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Viện kiểm sát tích cực phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn mà dư luận xã hội quan tâm, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đôn đốc, theo dõi, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận.

Một số nội dung cần thực hiện tốt trong năm 2019

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, năm 2019 đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề đối với ngành Kiểm sát nhân dân. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đòi hỏi ngành Kiểm sát phải đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm đã được đặt ra, ngành Kiểm sát nhân dân cần quan tâm, thực hiện tốt một số nội dung như:

Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, bảo đảm truy tố đúng người, đúng tội, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội, hoặc phải thay đổi tội danh; các trường hợp đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm và hành vi phạm tội;... Có giải pháp hiệu quả để tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội và tranh tụng trong xét xử.

Chủ động đề ra giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm mọi tội phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Chủ động, phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tích cực đề xuất và triển khai các biện pháp nhằm thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.

Tăng cường năng lực, bảo đảm cho Cơ quan điều tra VKSNDTC thực sự là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo thẩm quyền.

Cùng với đó ngành Kiểm sát nhân dân cần chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan để phát hiện khó khăn, vướng mắc và theo thẩm quyền kịp thời hướng dẫn áp dụng thống nhất các đạo luật về tư pháp, nhất là Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự,...; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Tập trung xây dựng tổ chức ngành Kiểm sát nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ pháp luật trong tình hình mới. Tập trung xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị vững vàng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức, hoạt động của Ngành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng, trong thời gian tới, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, toàn ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục thực hiện trí tuệ, bản lĩnh người cán bộ Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần "Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Hạn chế thấp nhất trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cảm ơn sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt và tình cảm của đồng chí Chủ tịch Quốc hội dành cho ngành Kiểm sát nhân dân; đồng thời sẽ tiếp thu đầy đủ nội dung chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội để bổ sung vào Chương trình, Kế hoạch công tác năm 2019 của Ngành để tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương để ngành Kiểm sát nhân dân hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế thấp nhất trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội