Gần 272.000 tỷ đồng đầu tư cho miền núi: Vốn không lớn trong khi mục tiêu quá lớn

Ngọc Mai| 28/05/2020 14:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng nguồn vốn đề xuất thấp hơn nhiều so với Đề án tổng thể do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Các đại biểu chi rằng, nguồn vốn mà Chính phủ đề xuất không lớn, nhưng những mục tiêu đề ra lại khá lớn, nhiều và tản mát

Sáng 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình).

Giải quyết những vấn đề bức thiết của người dân tộc thiểu số

Trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, đạt được thành tựu to lớn, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và đời sống của đồng bào sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi  đã được cải thiện rõ rệt nhưng hiện nay, vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  xuất phát điểm thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt; chính sách còn một số hạn chế bất cập.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đã được chỉ ra trong Báo cáo số 426/BC-CP của Chính phủ; là giải pháp quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  giai đoạn 2021-2030.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho biết, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, tạo sinh kế giải quyết những vấn đề bức thiết của nhóm dân tộc rất ít người và dân tộc còn nhiều khó khăn đối với hơn 16.100 hộ; hỗ trợ tạo mô hình sinh kế, ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở 382 xã biên giới đất liền; góp phần tăng thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số trên 2 lần so với 2020.

Chương trình cũng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 3%; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với tiêu chí năm 2020; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại thuận tiện bốn mùa...

Bên cạnh đó sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 12.000 hộ dân tộc thiểu số chưa được ổn định thuộc diện di cư tự phát; định canh, định cư bền vững cho hơn 1.300 hộ dân tộc thiểu số; bố trí ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và khu vực nguy cơ cao về thiên tai cho hơn 51.200 hộ.

Định hướng mục tiêu đến năm 2030 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; Giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; Xóa tình trạng nhà ở tạm, dột nát...

Cần tránh dàn trải

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết cơ quan này cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình MTQG như Tờ trình của Chính phủ. Đây là một chương trình có tính đặc thù không chỉ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tích hợp thực hiện hơn 100 chính sách dân tộc.

Chính phủ đã dự kiến tổng mức vốn thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 là 137.664,95 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 134.270,70 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, tổng nguồn vốn đề xuất trên chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra và thấp hơn nhiều so với khái toán ban đầu trong Đề án tổng thể do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (335.421,367 tỷ đồng), đạt 41,04% so với khái toán ban đầu, trong khi mục tiêu không thay đổi.

Theo Tờ trình của Chính phủ, nguồn lực chủ yếu để thực hiện Chương trình là Ngân sách trung ương (giai đoạn 2021-2025 khoảng 105.000 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 76%) trong khi đó sự tham gia của nguồn vốn huy động hợp pháp khác rất nhỏ (khoảng 3.000 tỷ đồng, chiếm 2,16%).

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của Chương trình ước tính gần 272 nghìn tỷ đồng, trong khi khả năng cân đối ngân sách nhà nước trước mắt chưa thể đáp ứng, nên khi thiết kế dự án khả thi của chương trình, các đại biểu đề nghị, nên ưu tiên hỗ trợ sinh kế, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số; đầu tư công trình kết cấu hạ tầng thật sự cần thiết, cấp bách và chưa đầu tư hoặc đang đầu tư dở dang. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt bảo đảm đời sống đồng bào một cách bền vững.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Chương trình cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi có thời hạn 10 năm nhằm khắc phục tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn. Nguồn vốn mà Chính phủ đề xuất không lớn, nhưng những mục tiêu đề ra lại khá lớn, nhiều và tản mác. Do vậy, các đại biểu kiến nghị cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ lại nội dung này để đảm bảo được tính khả thi nếu không huy lực các nguồn lực xã hội khác cùng thực hiện. Khi quy định về các mục tiêu trong Chương trình cần chú ý đến đặc thù dân tộc, nhất là vấn đề bảo tồn văn hóa ngàn đời của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ, một số mục tiêu của Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình chưa đảm bảo thống nhất với các mục tiêu tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội, còn một số mục tiêu của Nghị quyết 88 chưa được đưa vào Chương trình. Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung số liệu, chỉ tiêu đến năm 2025; các chỉ tiêu cần được xây dựng theo kế hoạch từng năm để thuận lợi việc bố trí vốn và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nêu rõ, đa số thành viên Hội đồng Dân tộc đề nghị Chương trình cần đầu tư trọng tâm hơn, tập trung vào 5 nhiệm vụ của Nghị quyết 88, để giải quyết được các vấn đề cơ bản như: nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí dân cư vùng sạt lở nguy hiểm; phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, cơ bản; quan tâm đúng mức giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chú ý công tác truyền thông, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến.

Thống nhất với các giải pháp, cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực thực hiện được đề ra trong Chương trình, song Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ, các giải pháp này chưa khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Hội đồng Dân tộc đề nghị, Chính phủ cần sớm hoàn thành việc rà soát chính sách dân tộc và các văn bản quy phạm pháp luật đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi , loại bỏ các chính sách, quy định kém hiệu quả; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách nhằm tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  theo đúng tinh thần Nghị quyết 88.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 272.000 tỷ đồng đầu tư cho miền núi: Vốn không lớn trong khi mục tiêu quá lớn