Đề cử ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục giữ chức Thủ tướng Chính phủ

PV| 26/07/2016 10:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (26/7), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Theo đó, Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét, bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Đề cử ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục giữ chức Thủ tướng Chính phủ

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc Tờ trình nhân sự Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới trước Quốc hội

Các đại biểu sẽ thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ.

Chiều nay, sau khi nghe báo cáo thảo luận tại Đoàn và biểu quyết thông qua danh sách, Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Thủ tướng Chính phủ khoá mới sẽ tuyên thệ và phát biểu nhậm chức trước Quốc hội theo quy định. Lễ tuyên thệ được phát thanh và truyền hình trực tiếp.

Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, quê Quảng Nam, cử nhân kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Phúc từng đảm nhiệm các chức vụ: Uỷ viên thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ nhiệm thường trực, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016; được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII.

Uỷ viên Trung ương Đảng khoá X, XI, XII, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XI, XII, Đại biểu Quốc hội khoá XI, XIII, XIV.

Trước đó tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, đầu giờ sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội đều nhất trí với nội dung Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Bên cạnh đó, đại biểu một số đoàn có ý kiến đề nghị thành lập thêm một số bộ, chuyển lĩnh vực của một số bộ cho nhau. Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần cải thiện lề lối làm việc, xây dựng quy chế phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, rà soát sắp xếp lại các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức phối hợp liên ngành, tăng cường phân cấp cho địa phương, cải tiến thu gọn đầu mối, tinh gọn biên chế tại các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm không tăng cơ cấu bên trong, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để khắc phục những tồn tại hạn chế.

Tại phiên họp vào chiều qua (25/7), Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 Nguyễn Xuân Phúc cũng đã báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn về cơ cấu Chính phủ.

Thủ tướng cho biết, qua tổng hợp, ý kiến của các đại biểu Quốc hội ở tất cả 63 Đoàn về cơ bản đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ.

Trước một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về đề xuất thành lập mới, đổi tên một số bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cơ cấu tổ chức Chính phủ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã được giữ ổn định từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đến nay, phù hợp với xu thế chung của thế giới, thực tiễn ở nước ta, đã phát huy hiệu quả, góp phần cải cách hành chính, thu gọn bộ máy các cơ quan nhà nước.

Chính phủ đã thảo luận kỹ và thống nhất trình Quốc hội cho giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ như hai nhiệm kỳ qua, đúng theo tinh thần chỉ đạo và Kết luận số 64 của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và văn bản của Văn phòng Trung ương về thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và giới thiệu nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Tên của các bộ, cơ quan ngang bộ đã được sử dụng trong thời gian dài, kể cả trong nước và quốc tế, không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Vì vậy để tiết kiệm, tránh lãng phí, không phát sinh vướng mắc trong hoạt động, Chính phủ  đề nghị Quốc hội cho giữ tên các bộ, cơ quan ngang bộ như hiện nay. Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Trình bày dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tại phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ, cụ thể là các Bộ: Quốc phòng, Công An, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và 4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ. Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ với 93,52% đại biểu tán thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cử ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục giữ chức Thủ tướng Chính phủ