ĐBQH: Vụ 39 người thiệt mạng ở Anh đặt ra vấn đề trách nhiệm của cơ quan chức năng

Trọng Bằng| 05/11/2019 10:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo tại nghị trường về vụ 39 nạn nhân tử vong ở Anh đang được dư luận trong và ngoài nước quan tâm những ngày qua.

Sáng 5/11, trước khi diễn ra phiên thảo luận thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cập nhật thông tin vụ 39 nạn nhân tử vong ở Anh.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngay khi sự việc xảy ra, Chính phủ Anh đã chuyển cho Việt Nam hồ sơ vân tay của toàn bộ 39 nạn nhân để đối chiếu chéo, nhằm xác định danh tính, quốc tịch của nạn nhân.

Ngày 2-3/11 vừa qua, đoàn công tác của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu đã sang làm việc với các cơ quan chức năng của Anh để phối hợp xử lý các công việc liên quan.

Cũng theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, hiện nay có nhiều nguồn tin về số người Việt Nam trong 39 nạn nhân tử vong ở Anh, nhưng theo thông tin ngày 4/11 của Bộ Ngoại giao điện về trực tiếp, phía cảnh sát Hạt Essex, Anh đã hoạt động tích cực, đồng thời phối hợp thực hiện song thủ tục rất phức tạp.

“Sau khi đối chiếu danh tính, lập hồ sơ báo cáo lên Tòa án nước Anh và được đoàn thẩm phán phê duyệt mới được công bố danh tính nên cần phải chờ một vài ngày nữa mới có kết quả chính thức”, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh, những ngày qua, vụ 39 nạn nhân tử vong ở Anh đã gây xúc động mạnh trên toàn thế giới. Quốc hội xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân.

Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ ngành và địa phương phối hợp với các nước liên quan để xác minh làm rõ các vi phạm bảo hộ công dân. Đồng thời đề nghị Bộ Công an chỉ đạo, tập trung triển khai làm rõ các đường dây đưa người sang nước ngoài trái phép để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, đồng thời có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả tình trạng này.

Hành vi buôn người hay tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài?

Thảm kịch 39 người thiệt mạng trong container ở Anh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu trên nghị trường. Trong phiên Quốc hội nghe và thảo luận về báo cáo của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng ngày 4/11, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhận định, đây là sự việc rất đau lòng, là một vụ việc gây chấn động dư luận quốc tế và trong nước.

Theo ông, vụ việc này xảy ra tại Anh, cho nên kết luận về tội danh gì do nước Anh kết luận. Còn pháp luật Việt Nam, đây không phải là hành vi buôn người mà là hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép được quy định tại Điều 349 của Bộ luật Hình sự.

“Hiện nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Nghệ An tiến hành khởi tố vụ án và đến ngày 3/11, Công an tình này đã bắt giữ 8 đối tượng có liên quan đến đường dây. Chúng tôi sẽ làm nghiêm và thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết.

ĐBQH: Vụ 39 người thiệt mạng ở Anh đặt ra vấn đề trách nhiệm của cơ quan chức năng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại hội trường

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, trường hợp nghi phạm tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, có thể nhằm mục đích cung cấp những người này cho những nhóm buôn người theo đặt hàng từ trước. Nếu như có hành vi móc nối, thông đồng như vậy là đã có dấu hiệu của hành vi buôn người.

Còn nếu không có yếu tố buôn người để thực hiện những loại tội phạm khác như cung cấp cho thị trường lao động bất hợp pháp, thị trường mại dâm, ma túy, mua bán nội tạng thì đó là hành vi tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép.

Theo luật sư Chiến, dù là buôn người hay tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, vừa qua Công an Việt Nam cũng đã có những biện pháp mạnh mẽ để điều tra đối với 8 nghi phạm có dấu hiệu vi phạm tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép.

“Đây là một hoạt động rất tích cực của cơ quan công an để ngăn chặn những hành vi có thể là buôn người hoặc là tổ chức đưa người ra nước ngoài”, ông Chiến nói và nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa đấu tranh hiệu quả

Song, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho rằng, từ vụ 39 người thiệt mạng ở Anh cũng đặt ra vấn đề về trách nhiệm của cơ quan công an, cơ quan du lịch như thế nào và đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nơi những nạn nhân này cư trú.

Vấn đề đặt ra là phải tăng cường phối hợp mạnh mẽ hơn đối với những cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan công an và đặc biệt là cơ quan du lịch, nếu đưa người ra nước ngoài thì phải quản lý để không xảy ra những vụ việc tương tự.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ: “Cả thế giới bàng hoàng với vụ 39 người chết trong container tại Anh. Chúng ta càng đau xót hơn khi biết tin trong số nạn nhân có người Việt Nam".

Đại biểu cũng nhận định nạn buôn người, đưa lậu người qua biên giới các nước là vấn nạn thế giới và là vấn đề không dễ giải quyết. Đại biểu Cường đánh giá cao các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã kịp thời có hành động khởi tố, điều tra vụ án hình sự, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại xử lý các vấn đề liên quan, động viên, chia sẻ với gia đình các nạn nhân.

“Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng những kẻ phạm tội sẽ bị phát hiện và trừng trị kịp thời, gia đình các nạn nhân sẽ được giúp đỡ để vượt qua nỗi đau này”, đại biểu bày tỏ.

Tuy nhiên, đồng tình với Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ở góc độ nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan chức năng, đại biểu Cường cũng cho rằng, thực trạng người Việt Nam đi lao động nước ngoài chui không phải vấn đề mới. Mỗi năm hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức nhưng số lao động Việt làm việc thực tế tại nước ngoài lớn hơn nhiều. Từ chỗ tự nguyện đi lao động chui, họ bị lợi dụng, ép buộc, phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ, làm việc phi pháp và trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người.

“Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng chưa đấu tranh hiệu quả để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây mua bán người, các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, tổ chức môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”, đại biểu Cường thẳng thắn và đề nghị cần có các giải pháp ngăn chặn tình trạng này.

Bên hành lang Quốc hội sáng 4/11, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chia sẻ những thông tin mới nhất liên quan đến việc có thi thể người Việt trong số 39 người chết trong container ở Essex, ngoại ô London (Anh).

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay đoàn công tác Bộ Công an đã sang đến Anh, mang theo nhiều tài liệu đối chiếu để xác định danh tính nạn nhân là người Việt trong số 39 người thiệt mạng. 

Theo ông, sau khi sang Anh, công việc trước tiên của đoàn là nhanh chóng xác nhận danh tính những người thiệt mạng.

"Trước thông tin có rất nhiều người Việt Nam, đoàn công tác của Bộ Công an đã mang theo đầy đủ tài liệu cần thiết để đối chứng, đối chiếu. Có những tài liệu do gia đình chủ động cung cấp nhưng không phải thân nhân trong số đó," ông Lâm nói.

Bộ trưởng Công an cho biết, khi đã xác định nếu có người Việt thì tập trung bảo hộ công dân. Nhiệm vụ tiếp theo là đấu tranh phòng chống, ngăn chặn loại tội phạm này.

“Việc này phải điều tra quốc tế, kết luận sớm, vạch trần tội phạm, đưa đối tượng có liên quan ra xét xử,” ông Lâm nói.

Người đứng đầu Bộ Công an cũng cho hay đơn vị này chỉ đạo khởi tố một số vụ án tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, phát hiện, xử lý, bắt giữ một số đối tượng có liên quan.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng cần ổn định được tình hình cuộc sống cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong đó có Anh.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Vụ 39 người thiệt mạng ở Anh đặt ra vấn đề trách nhiệm của cơ quan chức năng