Cần khung pháp lý để thúc đẩy đầu tư PPP

Quốc Huy| 11/11/2019 16:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trước đó, tại họp phiên toàn thể tại hội trường buổi sáng các ĐB đã nghe trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án luật này.

Cần khung pháp lý để thúc đẩy đầu tư

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết với mục tiêu hình thành khung pháp lý ổn định, bền vững.

Hơn nữa, để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP thì cần có khung pháp lý ổn định cho hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính ổn định của các pháp luật điều chỉnh hợp đồng.

Trong khi đó, hiện nay khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. Do đó cần thiết ban hành Luật PPP.

Cần khung pháp lý để thúc đẩy đầu tư PPP

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Dự thảo Luật đã làm rõ sự khác biệt giữa “xã hội hóa” và PPP. Theo đó, “xã hội hóa” và “PPP” đều có cùng mục đích là thu hút nguồn lực tư nhân vào phát triển hạ tầng, dịch vụ công. Tuy nhiên, trong khi PPP được định hình là phương thức đầu tư với trình tự, thủ tục bài bản và cơ chế chính sách đầy đủ thì xã hội hóa chỉ là chủ trương và chính sách khuyến khích, chưa có trình tự thực hiện cụ thể.

Do vậy, trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách về đầu tư, bên cạnh PPP thì chủ trương xã hội hóa cũng cần phải được quy định cụ thể về quy trình, thủ tục đầu tư. Qua đó có thể xem xét định hướng: áp dụng xã hội hóa (sau khi có quy định đầy đủ về trình tự thủ tục) cho các dự án ở quy mô nhỏ, đơn giản; Áp dụng PPP với dự án quy mô lớn, phức tạp, cần ràng buộc trách nhiệm giữa các bên thông qua hợp đồng dài hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, do tính chất hợp đồng PPP là dài hạn, chi phí chuẩn bị đầu tư một dự án PPP khá cao, đồng thời muốn hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thì cần dự án có quy mô đủ lớn. Vì vậy quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, định hướng đầu tư các dự án PPP có quy mô vốn đủ lớn đối với các lĩnh vực hạ tầng trọng tâm được quy định tại Luật, hạn chế các dự án quy mô nhỏ, dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực.

Các dự án có quy mô nhỏ hơn hạn mức này có thể lựa chọn các phương thức khác với thủ tục đơn giản hơn (xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục; đầu tư tư nhân...) theo đó vẫn bảo đảm được cơ hội thu hút vốn đầu tư tư nhân cho các dự án quy mô nhỏ ở địa phương.

Còn về phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, dự thảo Luật quy định 03 cấp: Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và cấp Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Tùy theo quy mô, tính chất, yêu cầu dự án, Hội đồng thẩm định có các cấp khác nhau như các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì phải được xem xét bởi Hội đồng thẩm định nhà nước; đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư thì thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành để thẩm định dự án PPP.

Thận trọng trong chỉ định thầu

Báo cáo thẩm tra dự án Luật PPP, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết còn có quan điểm khác nhau trước những vấn đề mới tại dự thảo Luật này.

Theo dự thảo Luật thì hình thức lựa chọn nhà đầu tư có các hình thức: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu.

Việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu được áp dụng đối với dự án có mục tiêu trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước hoặc cần phải thực hiện ngay để bảo đảm tính liên tục trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

Còn việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp dự án có tính đặc thù về phương án kỹ thuật, cung cấp dịch vụ, quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc tính đặc thù khác mà chỉ có một số nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu của dự án.

Quá trình thẩm tra, đa số ý kiến cho rằng cần thận trọng với việc chỉ định thầu đối với các dự án PPP. Vì thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều nhà đầu tư, nhà thầu được chỉ định có nguồn lực hạn chế, dẫn đến những vi phạm trong quá trình thực hiện, vận hành và khai thác công trình, gây thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư.

Việc triển khai các dự án PPP thời gian qua thường chậm tiến độ, đội vốn, thất thoát, lãng phí, tiêu cực là do các quy định về điều kiện lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ đấu thầu, các điều khoản trong hợp đồng PPP thiếu chặt chẽ, do đó đề nghị cần có quy định khắc phục những hạn chế này.

Theo Ủy ban Kinh tế, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế tại dự thảo luật.

Cơ chế đảm bảo của Chính phủ rất quan trọng

Trong cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư dự án PPP, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, để bảo đảm tính minh bạch cũng như thuận lợi trong quá trình thanh tra, kiểm toán dự án thì cần làm rõ mức vốn nhà nước tham gia dự án PPP và tách phần vốn nhà nước trong dự án PPP thành một dự án thành phần riêng biệt.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, làm rõ hơn trong dự thảo Luật hạng mục đầu tư sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước thì áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư công, hạng mục đầu tư sử dụng vốn đầu tư tư nhân thì áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư thông thường, tránh việc thủ tục đầu tư dự án PPP vẫn còn nặng về thủ tục đầu tư công, như vậy sẽ khó thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cũng như cần tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và giám sát các dự án PPP.

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nếu không có các cơ chế bảo đảm đầu tư thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các dự án có mức độ rủi ro cao. Tuy nhiên, nếu áp dụng cơ chế bảo đảm này thì Nhà nước nhận rủi ro về phía mình và nếu không có cơ chế quản lý rủi ro tốt thì có thể sẽ gây những hệ luỵ lớn cho ngân sách về dài hạn.

Vậy nên, Việt Nam vẫn có thể chấp nhận áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng. Tuy nhiên, Dự luật nhất thiết phải bổ sung các quy định để phòng ngừa và quản lý rủi ro của các biện pháp bảo đảm đầu tư này.

Thời gian qua, các dự án PPP bị người dân, dư luận xã hội phản đối thì một phần nguyên nhân rất quan trọng là chúng ta đã không có một cơ chế lấy ý kiến cộng đồng. Dự án BOT Cai Lậy là một ví dụ điển hình của việc không nhận được sự đồng thuận xã hội từ đầu nên giờ tiến thoái lưỡng nan. Do đó, nhất định phải bổ sung quy định này vào dự thảo Luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần khung pháp lý để thúc đẩy đầu tư PPP