Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình 3 vấn đề về ngân sách Nhà nước

Quốc Huy| 31/05/2019 17:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với 1,5 ngày thảo luận tại hội trường, có 15/75 ý kiến ĐBQH phát biểu liên quan về vấn đề quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, công tác quản lý tài chính, thu chi, bội chi, cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước và nợ công năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có phát biểu giải trình thêm về vấn đề này, trong đó có 3 nội dung được đề cập đến.

Chống thất thu ngân sách hiệu quả

Đầu tiên là việc chống thất thu ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay việc quản lý chống thất thu ngân sách đạt hiệu quả tích cực, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo đó, năm 2018, cơ quan thuế đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, qua đó kiến nghị xử lý thu vào ngân sách nhà nước gần 14.000 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã thực hiện 6.900 cuộc thanh tra, kiểm tra sau thông quan, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 15,54 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Vì thế, số nợ đọng thuế năm 2018 giảm cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng thu ngân sách Nhà nước.

Riêng số nợ thuế có khả năng thu giảm từ 45.000 tỷ đồng năm 2017 xuống 38.750 tỷ đồng năm 2018, tương ứng giảm 14 % và bằng 2,7 % trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Số thuế nợ không có khả năng thu hồi đến cuối 2018 là 37.570 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ đồng và chiếm 49,2% tổng nợ.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình 3 vấn đề về ngân sách Nhà nước

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội trường

“Đây là các khoản nợ thuế của các đối tượng đã chết, mất tích, doanh nghiệp giải thể không còn tài sản gì thu hồi nhưng chưa được xóa nợ, vẫn tính  tiền phạt chậm nộp 0,03%/ ngày nên số tiền nợ tăng lên. Theo nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính dự thảo nghị quyết về xóa nợ tài chính và hiện đã báo cáo UBTVQH vấn đề này”, Bộ trưởng cho biết.

Vấn đề thứ hai là thu từ ba khu vực kinh tế không đạt dự toán, Bộ trưởng cho rằng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về khách quan, mặc dù kinh tế khởi sắc, song hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số giải thể cũng tương đương con số đó (bằng 81,4% doanh nghiệp thành lập). Đồng thời, các doanh nghiệp mới thành lập chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được hưởng ưu đãi thuế do đó đóng góp số thu vào ngân sách nhà nước là không nhiều. Một số doanh nghiệp có số thu lớn thì trong năm 2018 tăng trưởng thấp hơn dự kiến, thậm chí giảm so với năm trước như nhóm doanh nghiệp khai khoáng, khai thác dầu thô, sản xuất điện thoại di động.

Còn về chủ quan, theo Bộ trưởng, dự toán thu cao hơn thực tế so với 2017, dự toán thu của khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 13,1%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,1% và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh dự toán giao tăng 20,4%, trong đó tăng trưởng kinh tế và lạm phát cộng lại chỉ là 11%.

“Từ đó, chúng tôi đã rút kinh nghiệm, trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 ở mức phù hợp hơn, tăng 7,7% so với năm 2018, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước bằng mức thực hiện năm 2018, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,4%, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13,3%. Thực tế, 5 tháng đầu năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 44,5% dự toán và tăng 13% so với cùng kỳ”, Bộ trưởng cho hay.

Lĩnh vực BT đang gặp nhiều khó khăn

Vấn đề thứ 3 mà Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề cập đến là xây dựng nghị định thanh toán BT, lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Theo Bộ trưởng, khó khăn đầu tiên là phải bảo đảm nguyên tắc về ngang giá khi sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Nguyên tắc ngang giá đã được quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, thực tế một số hợp đồng BT đã ký trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, không đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Diện tích đất chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị dự án BT, đây là khó khăn rất lớn, đòi hỏi xử lý phù hợp để quy định vào Nghị định.

Khó khăn tiếp theo là việc đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật Đầu tư, giá trị dự án BT và việc lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện theo Luật Đấu thầu. Theo pháp luật về đất đai thì việc giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản phải thực hiện đấu giá.

Tuy nhiên, đối với quỹ đất thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư, nếu thực hiện đấu giá là không khả thi vì khi đấu thầu dự án BT, Nhà nước đóng vai trò là bên mua, nhà đầu tư đóng vai trò là bên bán. Còn đấu giá tài sản công thì ngược lại. Pháp luật hiện hành không có quy định đồng thời vừa đấu thầu vừa đấu giá bán đối với cùng một dự án. Vướng mắc thứ ba liên quan đến giá đất để xác định giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, xác định theo giá thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình 3 vấn đề về ngân sách Nhà nước

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) phát biểu tại hội trường về vấn đề thu ngân sách 

Bộ trưởng nêu rõ, thực tế cho thấy, việc xác định giá đất cụ thể trong thời gian vừa qua chưa đạt được mục tiêu của nguyên tắc này, đa số thấp hơn thị trường trong điều kiện giá đất có đặc điểm riêng là xu hướng tăng sau quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng. Điều này có rất nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân về phương pháp xác định giá đất, cả nguyên nhân trong tổ chức thực hiện và xác định giá đất còn bất cập.

Khó khăn nữa Bộ trưởng nêu là về thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật về đấu giá, việc đấu giá chỉ thực hiện được với đất sạch, tức là đất đã giải phóng mặt bằng, trong trường hợp này là sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư công, không phải hình thức đầu tư BT.

Thực tế, đối với hình thức đầu tư BT, các địa phương đã chấp thuận sử dụng đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư, quỹ đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng thì chưa đủ điền kiện đưa ra đấu giá.

Theo Bộ trưởng, phương thức đầu tư theo hình thức BT đã được thực hiện thực tế từ trước khi Quốc hội ban hành Luật Quản lý tài sản công. Việc ban hành nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đặt ra yêu cầu phải xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và khắc phục tồn tại, hạn chế tiêu cực trong thời gian vừa qua.

Chính phủ đã xem xét rất kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng nhiều mặt để vừa đảm bảo mục tiêu chặt chẽ, đúng pháp luật, vừa bảo đảm không hồi tố. Đồng thời phải xử lý, giải quyết hài hòa lợi ích, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cho biết, ngày 6/10/2017 đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Trong quá trình từ đó đến nay, Văn phòng Chính phủ đã gửi lấy ý kiến thành viên Chính phủ ba lần, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì 4 cuộc họp với các bộ, ngành và một số địa phương để chỉ đạo hoàn thiện nội dung dự thảo. Thường trực Chính phủ đã họp 2 lần, nghe và cho ý kiến chỉ đạo hướng xử lý hoàn thiện dự thảo và Chính phủ đã đưa ra họp 1 lần để trao đổi thống nhất những nội dung quan trọng, đưa vào dự thảo.

Bộ Tài chính cũng đã có 10 lần báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo nghị định. Đến nay, hoàn thiện dự thảo nghị định BT để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành nghị định này, Bộ trưởng cho biết.
 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình 3 vấn đề về ngân sách Nhà nước