Biên bản giám định vụ án buôn lậu gỗ của Công ty Ngọc Hưng không phải giám định "chui"

Thu Vân| 15/08/2019 17:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Biên bản giám định tại phiên tòa được tiến hành trên cơ sở đề nghị của cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật là đơn vị tiến hành giám định, Chánh án TANDTC cho biết và khẳng định không có gì là "chui lủi" ở đây cả.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đưa ra câu hỏi chất vấn về quan điểm của Chánh án TANDTC khi Tòa đã căn cứ vào một biên bản giám định "chui" để tuyên án trong vụ án buôn lậu gỗ của Công ty TNHH Ngọc Hưng có liên quan đến nhóm cán bộ Hải quan ở Quảng Trị và Đà Nẵng.

Biên bản giám định vụ án buôn lậu gỗ của Công ty Ngọc Hưng không phải giám định

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 15/8. Ảnh chụp màn hình

Trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 15/8, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, trước phiên họp cũng đã nhận được phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội và đã thu thập hồ sơ, xem xét lại toàn bộ quá trình xét xử vụ án. Trên cơ sở báo cáo của TAND TP Đà Nẵng và TAND cấp cao tại Đà Nẵng, Chánh án thông tin tóm tắt lại vụ án để Quốc hội và cử tri nắm được như sau:

Công ty TNHH Ngọc Hưng có trụ sở tại Quảng Trị nhập khẩu một lô hàng từ Lào theo hợp đồng thương mại có só lượng là 535 khối gỗ (làm tròn số). Trong quá trình vận chuyển từ Lào về, lô hàng bị Tổng Cục Hải quan bắt giữ, sau đó Bộ Công an tiến hành điều tra đưa ra kết luận lô hàng có tổng giá trị là 614 khối. Cũng theo kết luận của Bộ Công an, hồ sơ xuất khẩu từ bên Lào là hồ sơ giả cho nên đề nghị xử lý về tội buôn lậu là 614 khối gỗ.

Trên cơ sở kết quả điều tra, Viện Kiểm sát cũng đã ra cáo trạng truy tố Công ty TNHH Ngọc Hưng buôn lậu 614 khối gỗ.

Tiếp đó, TAND TP Đà Nẵng tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án đã không chấp nhận cáo trạng truy tố với khối lượng gỗ như trên, mà chỉ chấp nhận Công ty TNHH Ngọc Hưng buôn lậu 23 khối gỗ hương- là số gỗ không được khai báo Hải quan, không đóng thuế và tuyên án sơ thẩm.

Sau khi HĐXX tuyên bản án sơ thẩm, Viện Kiểm sát đã có kháng nghị, cho rằng Tòa đã bỏ lọt tội phạm, đề nghị đưa lên Khoản 4 và phải truy tố hết 614 khối gỗ. Bên cạnh đó, các bị cáo liên quan đến nhóm cán bộ Hải quan và Công ty TNHH Ngọc Hưng cũng kháng cáo kêu oan, nên Tòa tiếp tục mở phiên tòa xét xử phúc thẩm.

Biên bản giám định vụ án buôn lậu gỗ của Công ty Ngọc Hưng không phải giám định

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ án buôn lậu gỗ của Công ty TNHH Ngọc Hưng có liên quan đến nhóm cán bộ hải quan ở Quảng Trị và Đà Nẵng diễn ra ngày 3/7

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX tiếp tục tuyên không chấp nhận 614 khối gỗ, mà chỉ chấp nhận buôn lậu 78 khối. Lý do là có 535 khối gỗ đã được đóng thuế và khai báo Hải quan.

Theo ý kiến và công văn của Bộ Công Thương trình bày trước phiên tòa thì doanh nghiệp Việt Nam không phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, tính đúng đắn từ các hồ sơ từ bên ngoài. Vì thế, những hàng hóa đã được khai báo Hải quan, đóng thuế được coi là hợp pháp.

Cùng với căn cứ đó, Tòa đã chấp nhận 535 khối gỗ của Công ty TNHH Ngọc Hưng là hợp pháp, còn lại phần không khai báo là 78 khối bao gồm 23 khối gỗ hương Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên và 55 khối gỗ trắc không khai báo Hải quan và không đóng thuế thì Tòa tuyên là buôn lậu và tịch thu.

Liên quan đến biên bản giám định đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng giám định "chui", Chánh án khẳng định không có gì là khuất tất ở đây.

Cụ thể Chánh án thông tin rõ, Biên bản giám định tại phiên tòa được tiến hành trên cơ sở đề nghị của cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã tiến hành giám định.

Theo Chánh án TANDTC: "Năng lực và tư cách pháp nhân của viện này như thế nào chúng ta chưa bàn nhưng đây là yêu cầu chính thức của cơ quan điều tra và có sự giám sát của Viện Kiểm sát nên không có gì là "chui lủi" ở đây cả. Đây là yêu cầu chính thức".

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng nêu rõ, việc Tòa tuyên án vụ án này không chỉ dựa vào văn bản duy nhất đại biểu đề cập trên, mà căn cứ vào 6 tài liệu sau đây:

Kết quả giám định của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật;

Báo cáo của Bộ Công an;

Báo cáo của Viện Kiểm sát;

Biên bản định giá của Đà Nẵng. Biên bản định giá này có 12 chữ ký của sở, ngành liên quan;

Kết quả bán đấu giá 614 khối của TP Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội;

Hợp đồng mua bán của người bán đấu giá- là bên thứ ba đồng ý mua 614 khối gỗ.

Căn cứ 6 tài liệu trên HĐXX khẳng định lô hàng có khối lượng 614 khối, sau khi trừ đi 535 khối đã đóng thuế và khai báo Hải quan còn lại 78 khối gỗ. HĐXX đã chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra đây là số gỗ buôn lậu.

Bày tỏ rõ quan điểm của người đứng đầu ngành Tòa án - cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ công lý, luôn hướng tới xây dựng hệ thống TAND liêm chính, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định, trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát vụ án như đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất, TANDTC đồng ý và sẵn sàng phối hợp trong vụ án này.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu gỗ của Công ty TNHH Ngọc Hưng có liên quan đến nhóm cán bộ Hải quan ở Quảng Trị và Đà Nẵng diễn ra ngày 23/8/2018, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Trương Huy Liệu 1 năm 16 ngày tù (bằng thời gian tạm giam), bị cáo Trần Thị Dung 9 tháng tù cho hưởng án treo. Với ba bị cáo nguyên là công chức hải quan, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành cùng mức án 9 tháng tù cho hưởng án treo, bị cáo Đỗ Danh Thắng 6 tháng tù cho hưởng án treo.

Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo Trương Huy Liệu, Trần Thị Dung, Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành có kháng cáo kêu oan, phủ nhận hành vi buôn lậu.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26/7/2019, Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Đà Nẵng không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và xử phạt bị cáo Trương Huy Liệu, Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng 7 năm tù vì tội buôn lậu và phạt tiền 30 triệu đồng để nộp vào ngân sách Nhà nước; bị cáo Trần Thị Dung, Giám đốc Công ty Ngọc Hưng 3 năm tù vì tội buôn lậu nhưng cho hưởng án treo và bị phạt 20 triệu đồng để nộp vào ngân sách Nhà nước; hai bị cáo Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành bị xử phạt 9 tháng tù do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cho hưởng án treo.

TAND cấp cao tại Đà Nẵng quyết định tịch thu và nộp ngân sách nhà nước hơn 4,1 tỷ đồng trong tổng số tiền bán đấu giá lô gỗ hơn 63 tỷ đồng. Số tiền còn lại - hơn 59,6 tỷ đồng, được chuyển cho Tổng cục Hải quan để xem xét xử lý về hành vi vi phạm hành chính do Công ty Ngọc Hưng khai sai thực tế về tên hàng theo quy định. 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biên bản giám định vụ án buôn lậu gỗ của Công ty Ngọc Hưng không phải giám định "chui"