Thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài

Phương Nam| 14/07/2020 09:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài.

Về bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài đương nhiên được công nhận

Điều 431 của BLTTDS quy định về hai loại bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam: Bản án, quyết định dân sự được quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án các nước còn lại. Cả hai loại bản án, quyết định này được đương nhiên công nhận mà không phải thực hiện bất kỳ một thủ tục nào khác tại Tòa án Việt Nam nếu đáp ứng được các điều kiện: (i) Không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và (ii) Không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam trong thời hạn quy định tại BLTTDS. Trong đó, quy định cho phép bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án các nước khác đương nhiên được công nhận tại Việt Nam mới được bổ sung vào BLTTDS.

Quy định mới này được xây dựng nhằm khắc phục tình trạng cả TANN và TAVN đều giải quyết một vụ việc dân sự, có cùng các bên đương sự, có cùng nội dung tranh chấp, yêu cầu, trong đó phổ biến nhất là vụ việc ly hôn. Theo đó, với quy định mới này, đương sự không phải yêu cầu TAVN giải quyết lại vụ việc ly hôn đã được TANN giải quyết. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự thực hiện việc ghi chú vào sổ hộ tịch về việc ly hôn ở nước ngoài trong trường hợp việc ly hôn đó không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam theo quy định tại Điều 125 của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài

Ảnh minh họa

Trên tinh thần đó, Điều 4 dự thảo Nghị quyết hướng dẫn về những bản án, quyết định của TANN mà Điều 431 của BLTTDS, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định đương nhiên được công nhận tại Việt Nam. Quy định tại Điều 4 dự thảo Nghị quyếtđược xây dựng vớicác mục đích sau đây:

Tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự tiếp tục thực hiện quyền nhân thân của mình, đặc biệt là quyền kết hôn nếu đương sự không phản đối quyết định cho ly hôn trong bản án, quyết địnhly hôn của TANN trong thời hạn quy định tại BLTTDS.

 Hạn chế sự nhầm lẫn của cả đương sự và Tòa án trong trường hợp đương sự nộp đơn yêu cầu công nhận bản án, quyết định của TANNthuộc loạibản án, quyết định đương nhiên được công nhận tại Việt Nam nhưng Tòa án vẫn thụ lý để giải quyết.

Quyền yêu cầu, thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài

Theo quy định tại Điều 432 của BLTTDS, trong thời hạn 03, kể từ ngày bản án, quyết định của TANN có hiệu lực pháp luật, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn yêu cầu TAVN công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định đó.Trường hợp người làm đơn vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng thời hạn nêu trên, thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không được tính vào thời hạn gửi đơn.

Trên tinh thần quy định của Điều 432 của BLTTDS, Điều 5 dự thảo Nghị quyết đã cụ thể hóa về 03 vấn đề sau:

 Xác định cụ thể “Người có quyền yêu cầu công nhận bản án, quyết định dân sự của TANN” là những chủ thể nào.

Thời điểm tính thời hạn 03 năm đương sự được quyền nộp đơn yêu cầu công nhận bản án, quyết định của TANN.

 Xác định cụ thể các sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến người yêu cầu không thể gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của TANN trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định đó có hiệu lực.

Trong đó, Điều 5 dự thảo Nghị quyết đã hướng dẫn việc xác định luật áp dụng để người có quyền nộp đơn yêu cầu dựa vào đó chứng minh họ đã bị “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” cản trở không thể nộp được đơn yêu cầu cho TAVN. Cụ thể, đương sự có thể áp dụng pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài (pháp luật của nước nơi có Tòa án đã ra bản án, quyết định hoặc nước nơi đương sự cư trú, làm việc, có trụ sở) để chứng minh vấn đề trên. Bởi lẽ, về cơ bản, các sự kiện như: chiến tranh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn; đương sựbị tai nạn, ốm nặng, bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi...có tính phổ quát cao nên được pháp luật nhiều nước sử dụng làm ví dụ về “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan”.

 Bên cạnh đó, pháp luật của mỗi nước cũng có thể có các quy định khác về “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan”. Do đó, nếu đương sự chứng minh được họ đã gặp “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” theo quy định trong pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của nước nơi có Tòa án đã ra bản án, quyết định hoặc nước nơi đương sự cư trú, làm việc, có trụ sở, thì thời gian đó phải được trừ ra khỏi thời hạn 03 năm quy định tại Điều 432 BLTTDS. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài