Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL vừa kết thúc tốt đẹp. Hội nghị này được xem như Hội nghị Diên Hồng, xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, nhận diện được các cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực để phát triển bền vững.
Vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh thành phố với diện tích 3,9 triệu ha, chiếm khoảng 12,3% diện tích tự nhiên của cả nước, 19% dân số.
Đây cũng là khu vực rộng và đông dân cư thứ 2 chỉ sau Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hằng năm, đóng góp khoảng 30% GDP của cả nước.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm vừa qua nhưng phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL chưa thật sự bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
Hội nghị đã đi sâu vào thảo luận các vấn đề toàn diện như: Quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL; thách thức và giải pháp về quản lý tài nguyên nước tại ĐBSCL; định hướng chuyển đổi quy mô lớn về mô hình phát triển ĐBSCL; an toàn nước sạch vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giải pháp chuyển đổi nông nghiệp bền vững cho các tiểu vùng tại ĐBSCL…
Hội nghị này là dịp để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét một cách toàn diện, hệ thống và huy động được các sáng kiến, nhằm tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động của toàn xã hội nhằm định hình mô hình phát triển bền vững của ĐBSCL trong sự liên kết, gắn kết hữu cơ giữa tự nhiên và con người, giữa các địa phương trong và ngoài vùng, Tiểu vùng sông Mekong.
Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà phải là nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao ở khu vực và rộng hơn là châu Á trong tương lai. Phải xây dựng ĐBSCL từ vùng trũng trong giáo dục và khoa học công nghệ thành thung lũng của sự sáng tạo về một nền nông nghiệp đa chức năng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, thích ứng với môi trường nhiễm mặn, khan hiếm nước ngọt và phù sa; thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phù hợp với điều kiện mới trong đó lấy phát triển bền vững và hiệu quả của sản xuất làm tiêu chí quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu phát triển của khu vực ĐBSCL cần thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa, sang tư duy kinh tế nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao; chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.
Cùng với đó là tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, với mặn, với khô hạn, thiếu nước phù hợp với điều kiện thực tế. Xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Một lần nữa chúng ta nêu lại quan điểm phải chủ động sống chung với lũ, với mặn, với thiếu nước như Israel đã làm. Và chúng ta coi nước lợ, nước mặn cũng là một nguồn tài nguyên.
Phấn đấu đến năm 2050 ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến, GDP bình quân đầu người đạt gần 10.000 USD, tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 5%. Các hệ sinh thái tự nhiên, quan trọng được bảo tồn.
Cú hích lớn chắc chắn sẽ tạo thời cơ mới, đột phá cho ĐBSCL.