Trong giai đoạn 2011- 2015, kết quả thoái vốn ở 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm Bất động sản, Chứng khoán, Tài chính-Ngân hàng, Bảo hiểm và Quỹ đầu tư được hơn 11 nghìn tỷ đồng.
Tại cuộc họp báo chuyên đề ngày 23/12, Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái vốn đầu tư vào 05 lĩnh vực nhạy cảm gồm bất động sản, chứng khoán, tài chính-Ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg. Kết quả trong giai đoạn 2011-2015, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã thoái hơn 11.500 tỷ đồng vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực này.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, số thu về giảm so với sổ sách do Tập đoàn Dầu khí thoái 800 tỷ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam thoái 1,3 tỷ đồng với giá 0 đồng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết việc thoái vốn trong 5 lĩnh vực nhạy cảm con số vẫn thấp. Những doanh nghiệp đầu tư hiệu quả thì thoái hết rồi. Còn lại năm 2016 này vẫn phải thoái, thậm chí là cắt lỗ.
Họp báo chuyên đề Bộ Tài chính ngày 23/12. Ảnh: MOF.
Về số lượng doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, Bộ Tài chính cho biết trong giai đoạn 2011 - 2015 đã sắp xếp được 588 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 508 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 80 doanh nghiệp. Tổng giá trị thực tế doanh nghiệp của 508 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng.
Riêng Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), giai đoạn 2011 - 2015, SCIC đã tiếp nhận 67 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách kế toán là 1.666 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp SCIC tiếp nhận từ khi thành lập đến nay lên gần 1000 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 8.722 tỷ đồng.
SCIC đã bán vốn tại 411 doanh nghiệp, với doanh thu bán vốn đạt 8.726 tỷ đồng, giá vốn 3.595 tỷ đồng, thặng dư bán vốn hơn 5.130 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị sổ sách.
Năm 2016, thoái vốn tại 05 lĩnh vực nhạy cảm, các Tập đoàn, Tổng công ty đã thoái được 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng. Giá trị thu về thấp hơn giá trị đã đầu tư do Tổng công ty Thanh Lễ thoái 100,6 tỷ đồng tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ, thu về 18,3 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác (ngoài 05 lĩnh vực nhạy cảm), các Tập đoàn, Tổng công ty đã thoái 1.578 tỷ đồng, thu về 2.273 tỷ đồng.
Tại SCIC đã bán vốn tại 67 doanh nghiệp với giá trị là 1.577 tỷ đồng, thu về 4.116 tỷ đồng. Số liệu của SCIC không bao gồm khoản bán đấu giá cổ phần của Vinamilk vì mới đấu giá cổ phần ngày 12/12/2016, đơn vị trúng thầu chưa hoàn tất việc chuyển tiền đấu giá.
Để tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính cho biết sẽ hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung triển khai phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước. Chủ động xây dựng phương án và tiếp tục thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần, vốn góp. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2016 - 2020.
Bên canh đó, cần nghiêm túc thực hiện cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong cổ phần hoá, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản. Thực hiện niêm yết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn đã cổ phần hoá trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế.
Rà soát, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.