Theo Luật sư, quyết định công nhận thỏa thuận của đương sự có giá trị ngang với một bản án, nếu các bên không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án. Trong trường hợp nếu đã cưỡng chế bên phải thi hành án dù có điều kiện thi hành nhưng có dấu hiệu trốn tránh, ngoan cố không chịu thi hành án thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Gửi đơn đến Báo Công lý, ông Chu Văn Tuyến (SN 1966, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm TP. Hà Nội) hỏi: Do có mối quan hệ quen biết, khoảng cuối năm 2012, ông Tuyến cho bà Nguyễn Thị Đũi, người cùng địa phương vay số tiền 180 triệu đồng. Đến hẹn, không thấy bên vay trả tiền, ông Tuyến nhiều lần thúc giục nhưng bà Đũi luôn đưa ra nhiều lý do để khất nợ.
Nhận thấy số tiền tích cóp bấy lâu nay của mình có nguy cơ bị “xù” nợ, cực chẳng đã, năm 2019 ông Tuyến khởi kiện ra TAND quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Sau đó, TAND quận Bắc Từ Liêm đã ra thông báo thụ lý vụ án dân sự “tranh chấp hợp đồng vay tài sản".
Quá trình hòa giải, xét thấy các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, ngày 5/7/2019, TAND quận Bắc Từ Liêm đã ban hành quyết định số 15/2019/QĐST-DS công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Sau khi có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, ông Tuyến đã có đơn yêu cầu đến Chi cục Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm đề nghị thi hành án theo yêu cầu.
Ngày 18/10/2019, Chi cục Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm ban hành quyết định số 155/QĐ-CCTHA cho thi hành án đối với bà Nguyễn Thị Đũi. Tuy nhiên, bất chấp các quy định của pháp luật, đến nay người phải thi hành án vẫn “chây ì” trả nợ.
Ông Tuyến thắc mắc, trong trường hợp thỏa thuận thành, bị đơn vẫn “chây ì” trả nợ, có thể bị xử lý thế nào?
Giải đáp vấn đề trên, Luật sư Lại Huy Phát (Văn phòng Luật sư Huy Phát – Đoàn Luật sư TP Hà Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết, đây là tranh chấp dân sự, vụ việc đã được Tòa án giải quyết.
Tại Tòa án, các bên đã tự nguyện thỏa thuận với nhau và Tòa án đã lập biên bản hòa giải thành. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản, hai bên không có ý kiến gì khác nên Tòa án ra quyết định công nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các bên đương sự. Sau khi có quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự mà một trong hai bên không chấp hành thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án vào cuộc.
Theo Luật sư Phát, mặc dù TAND quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đã có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Chi cục THADS quận ra quyết định thi hành án theo yêu cầu, song bị đơn vẫn chây ì trả nợ, thể hiện hành vi coi thường pháp luật.
Luật sư Phát nhấn mạnh, quyết định công nhận thỏa thuận của đương sự có giá trị ngang với một bản án, nếu các bên không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án. Trong trường hợp nếu đã cưỡng chế bên phải thi hành án dù có điều kiện thi hành nhưng có dấu hiệu trốn tránh, ngoan cố không chịu thi hành án thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.