Thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Minsk kể từ ngày 15/2, mặc dù chưa toàn diện nhưng được cộng đồng quốc tế hết sức hoan nghênh, và coi đây là bước tiến mới kéo các bên ra khỏi vòng xoáy bạo lực.
Hôm 12/2, các lãnh đạo 4 nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã đàm phán và đạt được thỏa thuận ngừng bắn kể từ 0h ngày 15/2. Theo đó, cả hai bên quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nước này sẽ rút vũ khí hạng nặng (cỡ nòng 100 mm trở lên) cách đều giới tuyến để tạo thành một khu vực an toàn rộng ít nhất 50km, rộng từ 70 km đến 140 km cho các dàn tên lửa chùm và chiến thuật hủy diệt cao.
Minsk đã đưa ra giải pháp chính trị tổng thể dài hạn cho Ukraine, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là cải cách hiến pháp, tính tới quyền của người dân Donbass.
Tiếp theo là vấn đề biên giới có sự thống nhất với lực lượng dân quân Donbass, vấn đề nhân đạo, thực thi luật quy chế đặc biệt cho Donetsk và Lugansk.
Thỏa thuận đạt được ngày 12/2 là bước tiến mới giúp các bên thoát khỏi vòng xoáy bạo lực
Thỏa thuận này đã nhanh chóng được cộng đồng quốc tế nhiệt tình hoan nghênh. Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn lo ngại rằng, liệu các bên sẽ thực hiện thỏa thuận này như thế nào.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, tới đây sẽ có rất nhiều việc phải làm nhằm thực hiện thỏa thuận này, Pháp và Đức sẽ giám sát vấn đề này.
Ông nhấn mạnh đạt được thỏa thuận này giống như trút đi được gánh nặng cho Châu Âu. Tuy vậy, ông vẫn lo lắng rằng, thỏa thuận này sẽ có giải pháp dài hạn và “Chúng ta vẫn cần tiếp tục thận trọng”.
Bộ Ngoại giao Đức đánh giá thỏa thuận đạt được ngày 12/2 giữa các bên mặc dù chưa toàn diện nhưng đây là bước tiến mới để đưa tất cả các bên thoát khỏi vòng xoáy bạo lực về phía giải pháp chính trị.
Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland hoan nghênh những nỗ lực của Nga, Ukraine, Pháp và Đức để đạt được thỏa thuận này.
Còn phía Thủ tướng Anh David Cameron, mặc dù cùng chung quan điểm như các nhà lãnh đạo khác, nhưng ông nói thêm: “điều quan trọng nhất là cần phải thực hiện thỏa thuận này bằng hành động”.
Từ Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nhấn mạnh, biện pháp trừng phạt Nga có thể được nới lỏng nhưng chỉ khi các bên hành động đúng theo ký kết của mình. Ông nói thêm, thỏa thuận này cần phải được tôn trọng bằng những biện pháp cụ thể.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Thế giới cho biết hôm thứ Năm (12/2) rằng, họ sẵn sàng cung cấp thêm 2 tỷ USD (1,3 tỷ bảng Anh) là một phần của gói hỗ trợ của quốc tế nhằm hỗ trợ tài chính cho Ukraine trong năm nay.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc ngày 6/2, tính từ đầu tháng 4/2014 cuộc xung đột tại miền Đông Ukraina đã khiến 5.486 người thiệt mạng, 12.976 người bị thương, 5,2 triệu người sống trong khu vực xung đột, 978.482 người phải di tản trong đó có 119.832 trẻ em.