Các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắn rơi máy bay Su-24 khiến nước này rơi vào tình trạng nợ xấu cao nhất trong 5 năm qua.
Sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 Nga vào ngày 24/11/2015, quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Lệnh trừng phạt kinh tế do Nga áp đặt đã gây ra những tổn thất nặng nề đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Thoạt đầu, các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ không lo lắng về ảnh hưởng của khủng hoảng chính trị đối với kinh tế. Tuy nhiên, càng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ càng “ngấm đòn”, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu thiệt hại nghiêm trọng.
Mới đây, hãng tin Bloomberg cho biết, dựa theo dữ liệu của Cơ quan Thanh tra và Giám sát Ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đang phải đối mặt với những khó khăn mới, chẳng hạn như không có khả năng trả nợ và tăng áp lực lên các ngân hàng.
Nhiều lĩnh vực của Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt, nợ xấu tăng cao nhất trong 5 năm qua
Ban đầu, Phó thủ tướng phụ trách kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, Mehmet Simsek nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt kinh tế của Nga sẽ chẳng có bất cứ tác động hoặc tác động chỉ mang tính hạn chế đối với nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Cơ quan Thanh tra và Giám sát Ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ nợ xấu tăng đến 3.18%, cao nhất trong 5 năm qua.
Nguyên nhân của các vấn đề mới trong nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ là thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của Nga gây ra, sự mất giá của đồng tiền quốc gia và tình hình chính trị bất ổn trong nước, kết quả là lượng khách du lịch đã giảm mạnh, hãng tin Bloomberg cho biết.
Thêm vào đó, trong bối cảnh quan hệ hai nước xấu đi nghiêm trọng, lượng du khách Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ giảm hẳn cũng khiến các khoản nợ xấu của Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên. Theo chuyên gia phân tích thị trường Constantine Courcoulas, các biện pháp trừng phạt của Moscow nhắm vào Ankara, cũng như sự sụt giảm đáng kể lượng khách du lịch Nga đã làm tăng các khoản nợ xấu của nước này. Các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với những khoản nợ lên tới 814 triệu đô, do ảnh hưởng của lênh trừng phạt .
Trong hai tháng đầu năm 2016, các khoản nợ quá hạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng thêm 514 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó tác động tiêu cực đến tình trạng chung trong ngành ngân hàng của đất nước.
Theo ông Apostolos Bantis, một nhà phân tích tín dụng ngân hàng thuộc Commerzbank, mặc dù chưa có dấu hiệu Thổ Nhĩ Kỳ mất kiểm soát tài chính, tuy nhiên, rõ ràng các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề.
Hakan Ates, giám đốc điều hành Denizbank tại Thổ Nhĩ Kỳ dự báo tình hình vài năm tới sẽ còn khó khăn hơn với những khoản nợ xấu trong lĩnh vực du lịch.
Năm 2013, Nga đứng vị trí thứ 2 về trao đổi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ và là nhà nhập khẩu thứ tư của Thổ Nhĩ Kỳ về hàng hoá. Nhưng tới nay, lệnh trừng phạt của Nga đã khiến các ngành như du lịch, xây dựng, công nghiệp thực phẩm và dệt may đứng trước bờ vực phá sản. Thêm vào đó là lĩnh vực ngân hàng, đó là chưa kể tới ông Putin sẽ dùng tới “con át chủ bài”, đó là ngành năng lượng nước này.
Orhan Okmen, chủ tịch văn phòng xếp hạng JCR Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, trừ phi căng thẳng chính trị Nga-Thổ chấm dứt, khó khăn kinh tế với các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia tăng trong năm 2016 và thiệt hại do các lệnh trừng phạt của Nga trong các lĩnh vực thực phẩm, du lịch, xây dựng và bán lẻ sẽ lên tới 15 tỷ USD.
Tháng Giêng năm 2016, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Mehmet Simsek cho biết, thương mại nước này đã thiệt hại tới 3,1 triệu đô do lệnh trừng phạt của Nga.
Ankara đã phải kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới can thiệp và cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Nga đã vi phạm quy tắc thương mại. Moscow sau đó trả lời rằng, hành động của Nga hoàn toàn nằm trong khuôn khổ các quy định của WTO.
Nga áp đặt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11 năm ngoái sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga với cáo buộc, máy bay vi phạm không phận nước này.