Sóng gió lại nổi lên trong quan hệ ngoại giao giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara một lần nữa chặn chuyến thăm của các nhà lập pháp Đức dự kiến vào ngày 17/7 tới một căn cứ của NATO ở Konya.
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14/7 tuyên bố không cho phép các nghị sĩ trong quốc hội Đức đến thăm căn cứ không quân gần thành phố Konya, thuộc tỉnh cùng tên tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi phi công Đức đang tham gia sứ mệnh giám sát không phận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Quyết định này đã gây thêm sóng gió trong quan hệ ngoại giao giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong thời gian qua.
Ngay sau tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Đức bày tỏ lấy làm tiếc, đồng thời cho biết phía Đức đang đàm phán với các bên liên quan, trong đó có các nước thành viên khác của NATO để xử lý tình hình.
Thêm sóng gió trong quan hệ ngoại giao giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ
Ông Thomas Oppermann, một nghị sĩ cấp cao của Đảng dân chủ xã hội Đức (SPD) tuyên bố, nếu các nghị sĩ trong quốc hội không được phép thăm, quân đội Đức không thể ở lại Konya. Ông Oppermman cũng hối thúc chính phủ nhanh chóng tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Phía Đức ngày 14/7 cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần ngăn cấm các nghị sĩ Đức tới thăm căn cứ không quân Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi có khoảng 250 binh sĩ Đức đang đồn trú để phục vụ cho liên minh do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Động thái này buộc Đức phải ra quyết định di dời binh sĩ tại Incirlik đến Jordan
Hiện, quan hệ giữa Ankara và Berlin, nơi có hàng triệu công dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đã gia tăng căng thẳng trong thời gian qua, đặc biệt kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính thất bại tại Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái nhằm chống lại Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Berlin đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về tình hình chính trường và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính khi ông Erdogan thực hiện nhiều vụ bắt giữ hàng loạt và thắt chặt an ninh.
Còn ông Erdogan đã tức giận vì Đức từ chối cho phép ông và các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới nước này để vận động chính trị, đồng thời cáo buộc Berlin không có hành động mạnh mẽ chống lại các chiến binh người Kurd hoặc những kẻ bị buộc tội âm mưu đảo chính.