Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh tạm giữ 42 nhà báo trong chiến dịch dẹp loạn sau đảo chính, khiến EU vô cùng tức giận.
Cánh cửa bước vào EU vẫn còn đóng chặt
Reuters cho biết, ngày 25/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh tạm giữ 42 nhà báo, trong đó có nhà bình luận kiêm cựu nghị sĩ Nazli Ilicak nổi tiếng, sau hàng loạt các vụ đình chỉ công tác đối với hàng trăm binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán, công chức. Đây là một diễn biến mới nhất trong chiến dịch “diệt cỏ tận gốc” của Tổng thống Erdogan.
Cho tới nay, đã có tới hơn 60.000 người bị chính quyền Ankara nhắm mục tiêu điều tra, khiến Liên minh châu Âu phải lên tiếng cảnh báo. Theo thông tin chính thức từ Phủ Tổng thống của ông Recep Tayyip Erdogan, tính đến ngày 24/7, Ankara đã bắt giữ tổng cộng 13.165 người có liên quan đến đảo chính.
Cũng trong ngày 25/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố, nếu chính quyền ông Erdogan vẫn nhất quyết khôi phục án tử hình thì chắc chắn, vĩnh viễn nước này sẽ không được gia nhập EU. Ông cũng nhấn mạnh, sau cuộc đảo chính, sự đàn áp từ các phe đối lập cũng sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó lòng gia nhập EU trong thời gian tới.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng tỏ ra nghi ngờ nguyện vọng của Ankara muốn gia nhập EU trước đó từ rất lâu. “Với tình hình hiện nay, tôi tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không phù hợp để trở thành một thành viên EU trong thời gian sớm, thậm chí là cả trong giai đoạn dài hơn", ông Juncker nói.
Trong một diễn biến liên quan, hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cũng đã sa thải hơn 100 nhân viên, bao gồm cả quản lý và phi hành đoàn.
Tổng thống Erdogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cho phép ông ký luật mới mà không cần thông qua quốc hội trước và giới hạn quyền lực nếu thấy cần thiết. Đây là biện pháp được cho là cần thiết để nhổ tận gốc những người ủng hộ cuộc đảo chính và sẽ không xâm phạm đến các quyền của những người dân bình thường.