Tình trạng thiếu vàng nguyên liệu đang ngày càng tăng tới mức có công ty kinh doanh vàng suy giảm lợi nhuận. Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng hay chưa?
Doanh nghiệp sản xuất khó khăn vì thiếu vàng nguyên liệu
Là một trong những “ông lớn” của ngành vàng bạc, thời gian gần đây, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đang đối mặt với không ít khó khăn. Một trong số đó là tình trạng thiếu vàng nguyên liệu, không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là vào các dịp lễ Tết hay ngày vía Thần Tài đầu năm.
Tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư diễn ra vào tuần qua, PNJ thẳng thắn nói về thách thức trong việc thu mua vàng nguyên liệu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng khó khăn chung của toàn ngành trang sức trong bối cảnh giá vàng nói chung tăng mạnh. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ cho biết cũng bởi thiếu nguyên liệu đầu vào, việc công ty có thể dừng sản xuất 1 - 2 ngày là chuyện bình thường.
Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Trang sức Em và Tôi cho biết cuối năm là mùa cưới, thời điểm vàng trang sức bán rất chạy. Thế nhưng, năm nay, thị trường trầm lắng vì giá vàng tăng cao và thiếu vàng nguyên liệu. “Khan hiếm nguồn cung khiến các doanh nghiệp trang sức, mỹ nghệ rất khó tiếp cận nguồn nguyên liệu để sản xuất. Vì vậy, dù đang trong mùa cưới, chúng tôi lại hạn chế nhập khẩu vàng nguyên liệu để chế tác”, ông Trần Văn Tiên chia sẻ.
Hiệp hội Kinh doanh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho hay, nhu cầu vàng nguyên liệu của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vàng trang sức vào khoảng 20 tấn/năm nhưng không được nhập khẩu hơn 10 năm qua, trong khi họ vẫn xuất khẩu một lượng không nhỏ sản phẩm vàng trang sức. Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VGTA cho biết, triển vọng của ngành nữ trang, kim hoàn vàng của Việt Nam rất lớn, tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vàng trang sức tại Việt Nam còn nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vàng nguyên liệu.
Doanh nghiệp mong chờ được nhập khẩu vàng
Để cải thiện tình trạng khan hiếm vàng, nhiều chuyên gia cùng đưa ra quan điểm đây là thời điểm thích hợp cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Suốt nhiều tháng qua, ông Huỳnh Trung Khánh ở VGAT đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp tư nhân được trực tiếp nhập khẩu vàng. VGTA đã có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trong phạm vi có kiểm soát cho 3 doanh nghiệp để chế tác vàng trang sức với tổng lượng nhập là 1,5 tấn vàng/năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ không nhập cùng lúc tất cả 1,5 tấn vàng mà sẽ chia làm nhiều lần, tùy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Theo nhìn nhận của VGTA, con số 1,5 tấn là không lớn, phù hợp với thị trường đồng thời cũng không gây áp lực lên tỷ giá. Đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường phong phú hơn. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ giảm, chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế được rút ngắn lại, người dân được hưởng lợi và thị trường vàng sẽ bình ổn.
Cùng quan điểm với ông Huỳnh Trung Khánh, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định rằng thời gian qua, một trong những thành tựu đáng kể của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý thị trường vàng chính là giảm khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới từ 18-20 triệu đồng/ lượng xuống chỉ còn 3-4 triệu đồng/ lượng. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm vẫn còn khi trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện nhập khẩu vàng dù Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất được làm điều này. Ông Hiếu ủng hộ quan điểm cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng khi mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và ổn định thị trường nhưng cũng phải dựa trên các cơ sở khoa học để tránh ảnh hưởng tới tỷ giá, ngoại hối.
TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cũng cho rằng nên cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Ông đưa ra quan điểm: “Chúng ta nên cho 2,3 công ty lớn, có uy tín, có năng lực tài chính, có chức năng hoạt động, có hệ thống kinh doanh vàng để họ tạo ra thương hiệu vàng của họ để đáp ứng nhu cầu người dân như trước đây”.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng Chính phủ nên cho phép ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng, nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu điều này được thực hiện, giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông trong thời gian ngắn, chưa kể việc nhập khẩu vàng từ các nước châu Á về Việt Nam cũng rất nhanh.