Thiệt 600 triệu USD vì “bán rẻ” gạo?

30/11/2013 21:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 10/2013, các DN trong nước xuất khẩu (XK) được hơn 5,73 triệu tấn gạo, trị giá FOB gần 2,5 tỷ USD.

Như vậy, XK gạo năm nay giảm hơn 14,1% về lượng và 16,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012. Theo phân tích của VFA, nguyên nhân số lượng và kim ngạch XK thời gian qua sụt giảm là do các thị trường nhập khẩu (NK) gạo của Việt Nam năm nay có nhiều biến động. Trong vòng 10 tháng qua, lượng gạo xuất sang các thị trường truyền thống tại châu Á chỉ đạt khoảng 3,38 triệu tấn, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc sụt giảm về số lượng hợp đồng tập trung khiến cho XK gạo thời gian qua phụ thuộc chủ yếu vào các hợp đồng thương mại (chiếm gần 87,7%), do các DN tự tìm kiếm và xé lẻ xuất đi các quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

Do khó khăn về thị trường, từ đầu năm 2013 đến nay, tình hình XK gạo nổi lên 2 vấn đề chính là giá xuất luôn sụt giảm và lượng gạo bán ra ngày càng phụ thuộc vào các hợp đồng tiểu ngạch xuất sang Trung Quốc. Còn theo thông tin từ một số DN XK gạo, hiện lượng gạo XK tiểu ngạch qua Trung Quốc ngày một lớn. Số lượng cụ thể mặc dù không được thống kê chính xác, nhưng mỗi ngày ước tính có khoảng 10.000 tấn gạo được bán qua đường tiểu ngạch sang thị trường này. Điều đáng nói là từ đầu năm đến nay, do thiếu hụt các hợp đồng mua gạo tập trung tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia nên hầu hết các DN XK gạo Việt Nam đều chuyển sang bán gạo cao cấp (chỉ có 16,4% là gạo cấp thấp). Như vậy, với mức giá trung bình xoay quanh 390 USD/tấn, giảm 13,4 USD/tấn so với năm ngoái, trong 10 tháng qua, các DN XK gạo của Việt Nam đã phải chịu “bán rẻ” hơn 4,5 triệu tấn gạo cao cấp, thiệt trên dưới 600 triệu USD so với năm ngoái.

 

Khi đề cập đến nguyên nhân giá gạo XK sụt giảm và việc không có được hợp đồng tập trung đối với các thị trường truyền thống ở châu Á, một số DN cho rằng, nguyên nhân chính không nằm ở chỗ các thị trường hạn chế NK, mà chủ yếu do việc điều hành không linh hoạt của VFA khi đàm phán các hợp đồng XK. Sự thụ động trong cách điều hành của VFA đã làm mất thị trường truyền thống. Vì nếu VFA chịu linh động cho phép 3, 4 đầu mối DN XK gạo lớn cùng với Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) tham gia ký hợp đồng thì nhà NK sẽ có sự so sánh chọn lựa và cơ hội bán hàng vào các thị trường này sẽ cao hơn. 

 

Trung Kiên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiệt 600 triệu USD vì “bán rẻ” gạo?