Sau một thời gian ảm đạm, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc từ cuối năm 2012 và vài năm tới, đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo giải pháp tổng thể cho thị trường bất động sản 2012, do Hiệp hội bất động sản tổ chức ngày 28-3 vừa qua.
Đa dạng hóa nguồn vốn
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ tín thác đầu tư bất động sản VREIT cho rằng: Nguồn vốn trong nước còn rất khiêm tốn so với lượng vốn khổng lồ trên thế giới. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng lớn hơn nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó cần có công cụ để hút nguồn vốn này vào thị trường bất động sản Việt Nam. Các Bộ, ngành phải tạo điều kiện tối đa cho nó, trong đó khung pháp lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc mở đường cho dòng vốn vào Việt Nam. Hiện nay, bất động sản vẫn rất quan trọng với người Việt, nhưng phần lớn vốn lại nằm trong hệ thống ngân hàng. Vì vậy cần huy động vốn toàn dân, để toàn dân đầu tư vào một quỹ như vậy, mời cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia quỹ đó. Đây là kênh huy động vốn rất tốt mà các nước đã thực hiện.
Cùng chung quan điểm phải đa dạng hóa dòng vốn cho bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Dòng vốn từ quỹ đầu tư nước ngoài là đích cho thị trường của chúng ta. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm dự án sinh thái mà họ muốn đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, xu hướng mua bán sáp nhập cũng là điều cần được đẩy mạnh trong bối cảnh thị trường ảm đạm. Về việc xây dựng Quỹ tiết kiệm nhà ở, ông Hà cho rằng hoàn toàn có thể áp dụng, vào Việt Nam. Đây vừa là nguồn tín dụng vừa giáo dục tinh thần tiết kiệm cho người dân.
Thị trường sẽ khởi sắc
Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà nhận định, sự phục hồi kinh tế của châu Âu đã đặt niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Đó là thị trường bất động sản từ kiều hối luôn ổn định, cam kết ODA cao đạt 7,4 tỷ USD năm 2012 cho dù thị trường kinh tế thế giới đầy khó khăn. Đồng thời trong nước, chỉ số tiêu dùng CPI tháng 3 rất thấp, ở ngưỡng 0,16% và cả quý khoảng 2,55% cho thấy cơ hội kiểm soát lạm phát năm 2012 của Việt Nam sẽ ở ngưỡng dưới hai con số. Đây là cơ sở để kinh tế vĩ mô sớm ổn định và phát triển bền vững.
Trong tháng 4-2012, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở và sẽ thực hiện thí điểm trong năm 2013. Sẽ tiến hành hai mô hình là mô hình quỹ tiết kiệm và phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân , nhà ở xã hội và mô hình Quỹ tiết kiệm cho vay nhà ở đối với đối tượng có thu nhập ổn định từ trung bình trở lên theo cơ chế thị trường. |
Hiện nay, nhu cầu thị trường, diện tích bình quân về nhà ở của nước ta còn thấp, mỗi năm cần khoảng 50 triệu m2 nhà ở. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo các ngân hàng hướng tới giảm lãi suất cho vay và thông qua trần lãi suất huy động. Bên cạnh đó cũng có nhiểu cơ hội tốt của thị trường xuất hiện như cơ hội kinh doanh nhà ở và căn hộ có quy mô nhỏ. Theo thống kê từ thị trường căn hộ tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, lượng căn hộ có diện tích nhỏ giá bình dân còn chiếm tỷ trọng rất thấp.
Về diễn biến của thị trường bất động sản trong năm 2012 và 3 năm tới, TS. Trần Kim Chung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 3 kịch bản: Kịch bản thứ nhất, đó là thị trường khởi sắc. Tuy nhiên, điều kiện của kịch bản này là tình hình kinh tế thế giới ổn định, các nước đồng tiền chung châu Âu vượt qua khỏi khủng hoảng nợ công. Tình hình kinh tế vĩ mô trong nước tốt đẹp, tăng trưởng cao, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, lãi suất về mức 10%/năm. Kịch bản thứ hai, thị trường sẽ suy giảm trầm trọng. Kịch bản thứ ba, kịch bản dễ xảy ra nhất, đó là tình hình sẽ tiếp tục như hiện nay. Các chính sách tiếp tục được nghiên cứu, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động cầm chừng, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục hy vọng, một số nhà đầu tư sẽ thu hẹp sản xuất.
Để thị trường bất động sản vượt khó khăn, ông Trần Kim Chung cho rằng trước hết về phía Nhà nước bên cạnh hàng loạt các giải pháp ngắn hạn như mua những bất động sản giá vừa phải, hình thành các quỹ tiết kiệm bất động sản, Nhà nước cần thực sự coi trọng việc hình thành đồng bộ các chính sách phát triển thị trường bất động sản, nhất là các chính sách về tài chính liên quan đến bất động sản. Bên cạnh đó Nhà nước cần xem xét đưa vào nghiên cứu chính sách thuế bất động sản. Về phía các doanh nghiệp, điều cần thiết nhất là phải tái cấu trúc danh mục đầu tư cho phù hợp với quy mô, năng lực doanh nghiệp. Bên cạnh đó doanh nghiệp cần huy động tối đa khả năng nhân lực, tài lực để hoàn thành dự án dở dang nhằm thu hồi những nguồn lực đang đầu tư phục vụ những công trình trong trung hạn.
Với góc nhìn lạc quan hơn, nhiều chuyên gia có mặt tại hội thảo cho rằng, khả năng khởi sắc đối với thị trường bất động sản là lớn. Từ 2012 - 2015 chắc chắn sẽ xảy ra một đợt điều chỉnh. Một số chủ thể sẽ rời bỏ thị trường, một số chủ thể mới sẽ tham gia. Thị trường sẽ tiếp tục đi ngang hoặc đi xuống chút ít trong năm 2012, đi lên từ cuối 2012 và đạt đỉnh khoảng cuối 2014, đầu 2015.
Lê Nguyễn Diệu Anh