Đàn ông dễ đi”, “bậy” chỗ nào cũng đi được. Chứ đàn bà, con gái, nhất là người nước ngoài, họ cần có chỗ kín đáo đi vệ sinh. Nghĩ là làm, ông Hà xây dựng nhà vệ sinh trên đỉnh Hải Vân và không ai ngờ, ông lại thắng lớn...
Sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em, cuộc sống khó khăn nhưng ông Lại Thanh Hà (SN 1950, quê Thanh Hà, Hải Dương, hiện ngụ tại Thừa Thiên Huế) vẫn thi đỗ vào Đại học Bách Khoa. Còn vài tháng là tốt nghiệp, ông đột ngột bỏ tất cả để vào bộ đội. Xuất ngũ, ông không trở về quê mà tiếp tục ở lại khôi phục kinh tế tại miền đất mới. Ông cùng đồng đội đi xây dựng đại công trình thủy lợi hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh). Năm 1977, ông về làm lái xe cho công trình thủy lợi Phú Ninh (Quảng Nam- Đà Nẵng).
Đến năm 1979, ông gặp và yêu bà Lê Thị Năm Phượng (thường gọi tên bà Năm, SN 1954, gốc Huế). Yêu bà, ông chấp nhận đánh đổi, bỏ tất cả công việc, sự nghiệp để theo về Huế. Ngày ông ở quê vợ, nhiều người còn đàm tiếu nhưng ông mặc kệ. Ông Hà xin 1 chân lái xe, thời gian rảnh phụ vợ buôn bán để nuôi đàn con 3 đứa lít nhít theo nhau ra đời. Năm 1982, vợ chồng dành dụm xây được ngôi nhà phía Bắc đèo Hải Vân, tuy không giàu có gì nhưng cũng đủ cái ăn cái mặc.
Nhà vệ sinh, công trình đầu tiên do ông Hà nghĩ ra
Năm 1987, giữa lúc công việc, gia đình dần đi vào nề nếp, bất ngờ ông lại…mê thơ. Ông yêu đến mức quên ăn, quên ngủ và không thèm quan tâm đến mọi thứ. Công việc lái xe đang thuận lợi, ông xin nghỉ ngang chẳng cần chế độ, dành thời gian đi theo hầu thơ giới nghệ sĩ và sáng tác. Có điều, thơ của ông không làm ra tiền.
Chưa hết, trong giai đoạn bà Năm quần quật với 3 đứa con còn nhỏ, ông đùng đùng bế thêm một bé gái, con của khách làng chơi vứt bỏ ngoài đường về nhận nuôi. Bà Năm đã gầy rộc, nay rước thêm khổ, bà bực tức cứ hễ thấy ông xuất hiện lại quát tháo ầm ĩ. Trả đũa vợ, ông Hà đặt cho biệt danh “Mắm Đại Ca”. Cái tên vẫn chết danh cho tới tận bây giờ.
Khi vốn liếng cạn sạch, ông Hà yêu cầu vợ bán đất, bán nhà lấy tiền lên đỉnh đèo Hải Vân lập nghiệp và quyết định sống trọn cuộc đời với thi ca.
Theo ông Hà, đèo Hải Vân non nước hữu tình, rất hợp cho ông phát triển sự nghiệp. Bà Năm nhảy chồm chồm phản ứng rồi nói ông gàn dở, điên nặng. Thấy vợ không hiểu mình, đi ngược lại quan điểm, ông lẳng lặng vào làm đơn ly dị. Do ấm ức từ lâu, bà Năm cũng nhanh chóng ký tên, kéo nhau ra tòa chia tài sản, chia con cái, đường ai nấy đi. Căn nhà bán được 4 cây vàng, bà Năm cầm 2/3, giành quyền nuôi con. Số còn lại, ông Hà ôm lên Hải Vân Quan, phát một vạt núi rộng dựng cái lều nhỏ để ở. Hằng ngày, ông chăn bò và sáng tác thơ nên mới được mọi người ví von “thi sĩ chăn bò”.
Đang hừng hực sáng tác thơ và thi thoảng hạ sơn giao lưu với giới văn nghệ sỹ xứ Huế, đột nhiên cả tháng trời không ai thấy bóng dáng ông nữa. Khi tìm hiểu, mọi người mới hay ông đang chuẩn bị cho dịch vụ kinh doanh nhà vệ sinh trên đỉnh đèo Hải Vân.
Ông Lại Thanh Hà với công trình hố tiêu năng
Ông Hà nhắn tin cho bà Năm biết, trên danh nghĩa không còn vợ chồng nhưng cái tình lâu nay ông vẫn dành cho bà, ông muốn bà ủng hộ. Lập luận ông đưa ra, giữa con đèo bồng bềnh mây trắng, xe cộ qua lại, khách thường đến tham quan du lịch, nhưng ăn uống xong vẫn không có nơi để “giải quyết nỗi buồn”. Xây cái “WC” là thượng sách, một vốn vạn lời”. Tưởng ông bán nhà lên núi làm thơ đã điên, nay sắm cái nhà vệ sinh giữa chốn hoang vu, bà Năm nghe xong thấy hết cách khuyên bảo đành tặc lưỡi, “thôi ông làm thế cũng được”. Năm 1990, “WC” đầu tiên ra đời trên đỉnh Hải Vân và không ai ngờ, ông lại thắng lớn, mỗi ngày đều có cả ngàn khách nườm nượp ra, vào.
“Đàn ông dễ hơn, “bậy” chỗ nào cũng đi được. Chứ đàn bà, con gái, nhất là người nước ngoài, họ cần có chỗ kín đáo đi vệ sinh. Nghĩ thế tôi làm ngay, mặc nhiều người nhìn tôi dè bỉu. Nhưng sau này khi đông khách, mụ “Mắm Đại Ca” cứ khoái chí bảo tôi thế mà khôn, biết đi tắt đón đầu” - ông Hà tâm sự.
Ông Hà kể, theo giá cả đi vệ sinh: Tây 1.000 đồng , ta 500 đồng, ông ấn định như thế nhưng nhiều khách Tây khoái quá, cứ đưa nguyên cả tờ USD rồi “no, no” (ý không cần thối lại). Đến lúc công trình nhà vệ sinh mỗi ngày đón vài trăm khách tây, ta, "mụ Mắm" hiểu chí sinh nhai của chồng, bồng con quay về nối lại tình cảm, cùng nhau kinh doanh cái nghề này trên đỉnh Hải Vân Quan. Thấy ai thắc mắc, bà Năm còn nhanh nhảu nói thay chồng, cái điên của ông ấy không những đưa cuộc sống gia đình có của ăn của để, mà còn giúp giải quyết nỗi khổ rất khó nói của hàng triệu người đi qua đây mỗi năm.
Khi có tiền, ông vận dụng kiến thức của mình đi đầu tư xây dựng đập thủy lợi, hồ chứa nước ở lưng chừng trời và hệ thống ống dẫn nước về cho từng hộ kinh doanh, trong đó có cả đối thủ từng ghét ông, đập phá WC của ông. Những năm 90, có nước sinh hoạt xong, ông mày mò tìm cách tạo ra điện, chiếu sáng cho cả xóm cùng chốt Biên phòng gần đó.
Chưa dừng lại, ông còn tạo dòng thác thoát lũ, sân tiêu năng nhằm đảm bảo an toàn cho người dân cũng như an toàn giao thông. Những hộ dân kinh doanh trên đỉnh đèo cho biết, cho tới nay, chưa có cơ quan chức năng nào kiểm chứng công trình của ông Hà, nhưng từ ngày làm xong “công trình cuộc đời” mà ông hay ví von, tuyệt nhiên không thấy đất, đá lở mỗi khi mưa lũ lâu ngày như trước.
Đến nay đã 65 tuổi, ông “thi sĩ chăn bò” vẫn lưng trần lao động, cải tạo khoảng đất rộng cả héc ta đối diện di tích Hải Vân quan để trồng hoa. Ông mong ước, sẽ biến Hải Vân thành thiên đường hoa đúng nghĩa. Nhìn ông làm việc, “Mắm Đại Ca” cười âu yếm. Theo bà, chỉ có tình yêu của những “gã điên” mới giúp ông làm được những việc phi thường, từng bước thay đổi bộ mặt khu danh thắng đệ nhất hùng quan này.