Một chính trị gia Hà Lan đã nói: “Trên đất nước này, không ai phải chết vì lời nói”. Vậy mà nhà sản xuất phim nổi tiếng Hà Lan Theo Van Gogh đã chết vì đã dám bày tỏ quan điểm của mình.
Sự cộng tác giữa nghệ sĩ và chính trị gia
Theo Van Gogh, 47 tuổi là chắt của nhà kinh doanh nghệ thuật Theo Van Gogh - em trai và là người hỗ trợ tài chính cho họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan Vincent Van Gogh. Theo Van Gogh cũng có một cuộc đời khác thường không kém gì các bậc tiền bối của mình. Anh là một nhà hùng biện và cũng là một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng của Hà Lan. Van Gogh cũng được biết đến với vai trò là nhà văn, nhà báo, diễn viên, nhà sản xuất điện ảnh và một người hay sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng như là một diễn đàn để đưa ra những quan điểm của mình về tôn giáo, chính trị và những giá trị xã hội khác. Bản tính thật thà, ngay thẳng luôn bộc lộ trong những bài viết nhiều khi gần như lỗ mãng của anh cũng khiến anh bị nhiều người ghét.
Theo Van Gogh
Như một định mệnh Theo Van Gogh gắn bó với Ayaan Hirsi Ali, một phụ nữ sinh ra ở Xomali, trong một gia đình đạo Hồi, nhưng lớn lên thì sang Hà Lan định cư. Cô viết kịch bản cho Theo làm phim. Cô cho rằng đạo Hồi là một tư tưởng lạc hậu và nhà tiên tri Mohammed là một kẻ bệnh hoạn vì đã cưới một bé gái 12 tuổi. Tới Hà Lan, cô đã tìm thấy tiếng nói thật sự của mình khi tham gia Đảng Tự do Hà Lan. Ayaan đã phản đối những hành động tội ác ngầm đối với phụ nữ Hồi giáo như việc làm tổn thương bộ phận sinh dục và bạo lực gia đình. Rất nhiều phụ nữ Hồi giáo đang sống tại Hà Lan cảm thấy bị xúc phạm vì họ cho rằng cô đã xuyên tạc và bôi nhọ tôn giáo của họ.
Sự tức giận đối với Van Gogh và Ayaan lên tới đỉnh điểm khi phim ngắn có tên “Submission” (Sự khuất phục) do anh làm đạo diễn và Ayaan viết kịch bản được công chiếu trên truyền hình Hà Lan. Nội dung bộ phim xoay quanh việc chỉ trích cách đối xử với phụ nữ trong hôn nhân của đạo Hồi. Hình ảnh đoạn phim miêu tả bốn phụ nữ ở trần với khuôn mặt bịt kín bằng những chiếc khăn đen. Trên cơ thể họ chi chít những ký tự kinh Koran và những vết roi da - kết quả sự trừng phạt đối với những phụ nữ không chịu khuất phục. Bộ phim chỉ kéo dài 10 phút nhưng những gì mà nó miêu tả đã khiến những tín đồ Hồi giáo phẫn nộ ghê gớm.
Trả giá cho “sự khuất phục”
Không lâu sau khi “Submission” được trình chiếu, Theo bắt đầu nhận được những lời đe dọa. Cộng sự của Theo đã đề nghị anh thuê vệ sĩ nhưng anh đã bỏ qua. Mặc dù cả Theo và Ayaan đều nhận thức rõ những nguy hiểm có thể xảy ra đối với bản thân khi nói lên quan điểm của mình, nhưng họ sẵn sàng đánh đổi vì lý tưởng. Song, cái giá phải trả lại quá cao mà cả hai đều không hình dung được. Theo đã phải trả giá bằng mạng sống của mình còn Ayaan tiếp tục sống trong sợ hãi về những điều tương tự có thể xảy đến với cô.”
Vào khoảng 8 giờ 45 phút sáng 2-11-2004, khi đang đạp xe đi làm, Theo đã bị một thanh niên mặc trang phục truyền thống của đạo Hồi tấn công ngay bên ngoài tòa thị chính Amstecdam. Hắn đã đâm và bắn điên cuồng vào người anh. Không chỉ dừng lại ở đó, hắn đã cắt cuống họng Theo trước sự bàng hoàng của người qua đường. Sau đó hắn đã cắm con dao cùng một bức thư vào ngực Theo và bỏ chạy. Một Cảnh sát và một người đi đường đã bị thương nặng trước khi bắt được tên giết người.
Mối hận với phương Tây
Kẻ tấn công được xác định là Mohammed Bouyeri, 26 tuổi, một tín đồ đạo Hồi mang hai quốc tịch Hà Lan và Ma Rốc. Hắn khai hắn căm thù Theo Van Gogh vì đoạn phim “Submission”, vì mối hận với phương Tây và vì thế giới không chịu chấp nhận những giá trị của đạo Hồi.
Mohammed Bouyeri và hiện trường vụ án
Mohammed đã từng ngồi tù trong 7 tháng và chính thời gian này là lúc hắn đắm chìm trong đạo Hồi. Sau khi ra tù, Mohammed đã dành phần lớn thời gian cho những hoạt động tôn giáo. Hắn đã tham gia vào một nhóm Hồi giáo cực đoan tên là Hofstad có liên quan đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, tuy nhiên nhóm này được ít người biết đến. Mặc dù việc giết hại Theo là hoạt động khủng bố đầu tiên của Mohammed khi tham gia vào Hofstad, nhưng người ta tin rằng hắn và tổ chức cũng đang lên kế hoạch cho những vụ tấn công khác. Bằng chứng là Mohammed để lại một bức thư 5 trang trên xác Theo, với những lời lẽ đe dọa Ayaan và một vài chính trị gia Hà Lan khác. Cảnh sát đã bắt giữ 8 kẻ bị tình nghi nằm trong mạng lưới Hofstad và có liên quan đến kế hoạch giết Theo. Sáu kẻ đã bị buộc tội có âm mưu giết người.
Giận dữ trên đất nước giàu lòng khoan dung
Vụ sát hại Theo Van Gogh đã khiến người dân Hà Lan cảm thấy bức xúc và nổi giận. Ngay đêm ngày án mạng xảy ra, khoảng 20.000 người đã tới quảng trường Amsterdam để tưởng nhớ Theo và thể hiện sự ủng hộ của họ đối với tự do ngôn luận. Trong những tuần sau khi án mạng xảy ra, đã có nhiều vụ phá hoại và hàng loạt những vụ tấn công trên khắp đất nước nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo. Phần lớn các cuộc tấn công được cho là do ảnh hưởng bởi vụ ám sát Theo và biểu hiện chống lại cộng đồng Hồi giáo. Đáp trả, những kẻ phá hoại đã đốt cháy hai nhà thờ Tin lành tại Utrecht và Amersfort. Hơn nữa, một nhóm phần tử cực đoan Hồi giáo khác đã đe dọa sẽ tấn công Chính phủ và người dân Hà Lan nếu thái độ chống lại các tổ chức Hồi giáo còn tiếp tục.
Phiên xử Mohammed diễn ra ở Amsterdam, trong một toà nhà được canh gác cẩn mật. Khoảng 20 thân nhân và bạn bè của nhà làm phim cũng có mặt. Cậu con trai 14 tuổi của Van Gogh và mẹ ôm nhau khóc khi cái chết của nhà làm phim được miêu tả trước toà. Tòa án Hà Lan đã tuyên án chung thân Mohammed Bouyeri vì tội giết người. Trước toà hắn vẫn tuyên bố sẽ làm như vậy một lần nữa nếu có cơ hội. Hắn nói rằng mình hành động vì tín ngưỡng và vì “luật lệ buộc tôi phải chặt đầu bất kỳ ai xúc phạm đến Thánh Allah và đấng tiên tri”.
Hà Mai (Theo TruTV)