Trung Quốc sẽ tham gia đàm phán ba bên về kiểm soát vũ khí với Mỹ và Nga, nếu phía Mỹ đồng ý cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình xuống mức ngang bằng với Trung Quốc, AP đưa tin.
Ảnh minh họa
Phát biểu với báo giới trong một cuộc họp tại Bắc Kinh ngày 8/7, Vụ trưởng Vụ giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Thông (Fu Cong) cho biết, cho đến bây giờ phía Washington vẫn chưa cho Bắc Kinh biết là “là họ muốn gì khi chúng tôi tham gia đàm phán”.
Theo Vụ trưởng Vụ giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh muốn tăng kho vũ khí hạt nhân của mình lên ngang mức Washington; hoặc ngược lại Washington sẵn sàng giảm kho vũ khí của mình xuống mức ngang bằng với Bắc Kinh.
AP cho biết, ông Phó Thông đã đưa ra tuyên bố trên sau khi phía Mỹ lưu ý về sự vắng mặt của Trung Quốc tại các cuộc đàm phán với Nga ở Vienna hai tuần trước về việc thay thế Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới 2010 (Hiệp ước New START, còn được gọi là START-3).
Được Nga và Mỹ ký năm 2010, chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2011, New START là một trong số ít các hiệp định còn hiệu lực giúp kiểm soát các kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Ngày 20/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đang xem xét gia hạn Hiệp ước New START với Nga, đồng thời tiếp tục tìm kiếm một hiệp ước toàn diện hơn với sự tham gia của cả Nga và Trung Quốc.
Trong bối cảnh New START sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đang rà soát và coi đây như một phương án có triển vọng để duy trì hiệp ước này.
Tuy nhiên, ông Phó Thông đã gọi việc tham gia các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí với Mỹ và Nga là “không thực tế”, vì theo ông Trung Quốc có kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn rất nhiều so với hai cường quốc này.
Ông cho rằng, bằng cách mời Bắc Kinh, Washington đang tạo ra “một cái cớ” để rời khỏi các cuộc đàm phán mà không thay thế hiệp ước. Theo Vụ trưởng Vụ giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mục đích thực sự của Mỹ là để thoát khỏi tất cả các hạn chế và “có quyền tự do tìm kiếm ưu thế quân sự hơn bất kỳ đối thủ, thực tế hoặc tưởng tượng nào”.
Trước đó, Mỹ đã nêu ra ba điều kiện để gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3). Tờ Wall Street Journal trích nguồn tin chính thức cho biết Tổng thốngDonald Trump có thể đồng ý gia hạn thỏa thuận nếu các bên đạt được tiến bộ trong việc đưa ra những biện pháp mới đảm bảo có thể kiểm chứng nghiêm ngặt, nếu tất cả các loại đầu đạn hạt nhân đều được tính đến, cũng như nếu Trung Quốc tham gia hiệp ước này.
Vào ngày 22/6, Nga và Mỹ đã thảo luận về việc gia hạn START-3 tại Vienna. Trong quá trình tham vấn đã bàn bạc về việc duy trì sự ổn định và tính chất có thể dự báo trong bối cảnh Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn đình chỉ hiệu lực sau khi Mỹ rút khỏi.