Mỹ thành vùng dịch lớn nhất thế giới; Moscow phong tỏa vì COVID-19; Quân đội Mỹ nhận lệnh ngừng toàn bộ di chuyển trong 60 ngày; Pháp rút toàn bộ binh sĩ khỏi Iraq; Madrid trả 340.000 bộ kit xét nghiệm của Trung Quốc... là những tin tức thế giới nổi bật.
Mỹ thành vùng dịch lớn nhất thế giới
Mỹ ghi nhận thêm 14.933 ca dương tính nCoV trong 24 giờ qua, nâng số người nhiễm trên cả nước lên 83.144. Thêm 174 người chết, nâng số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này lên 1.201, theo thống kê của Đại học Johns Hopskins.
Với số liệu mới được công bố, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc và Italy để trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện ghi nhận hơn 81.000 ca nhiễm và hơn 3.200 ca tử vong, trong khi Italy ghi nhận hơn 80.000 ca nhiễm và hơn 8.000 ca tử vong.
Mỹ hiện ghi nhận hơn 83.000 ca nhiễm SARS-CoV-2
Moscow phong tỏa vì COVID-19
Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định đóng cửa tất cả nhà hàng, quán cà phê, quán bar, cửa hàng và công viên ở thủ đô từ ngày 28/3 - 5/4 để triển khai “kỳ nghỉ ở nhà”, Thị trưởng Mátxcơva hôm qua cho biết. Chỉ có các cửa hàng bán đồ thực phẩm, thuốc men và nhà hàng giao đồ ăn tận nhà được tiếp tục hoạt động. Người dân Moscow được kêu gọi hạn chế đến các địa điểm tôn giáo.
Các biện pháp được áp dụng trong bối cảnh Nga ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt trong ngày 25/3, với 136 ca nhiễm ở Moscow, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 của Nga lên 840, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Chính phủ Nga cũng quyết định cấm tất cả các chuyến bay quốc tế từ ngày 27/3.
Quân đội Mỹ nhận lệnh ngừng toàn bộ di chuyển trong 60 ngày
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 25/3 đã ký lệnh ngừng toàn bộ các hoạt động di chuyển của quân đội Mỹ trong thời gian 60 ngày do lo ngại sự lây lan của dịch Covid-19. Theo giới chức quốc phòng Mỹ, điều này có nghĩa là toàn bộ quân nhân Mỹ ở nước ngoài hoặc đang chuẩn bị được triển khai từ Mỹ sẽ giữ nguyên vị trí trong vòng 60 ngày tới.
Quyết định kể trên được cho là ảnh hưởng tới 90.000 quân nhân Mỹ có kế hoạch được triển khai ở nước ngoài hoặc quay trở về Mỹ. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ đối với các tàu hải quân dự kiến quay trở về Mỹ.
Trước đó, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng, hệ thống quân y đang chuẩn bị cho kịch bản các ca lây nhiễm tăng nhanh và hiện chưa rõ quân đội Mỹ có đủ bác sỹ hay không.
Lo ngại dịch Covid-19, Pháp rút toàn bộ binh sĩ khỏi Iraq
Pháp đã ra lệnh rút toàn bộ binh sĩ nước này tại Iraq về nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới.
Bộ Quốc phòng Pháp ngày 25/3 cho biết, nước này đã quyết định hồi hương các binh sĩ được triển khai trong chiến dịch Chammal ở Iraq cho đến khi có thông báo mới. Theo đó, khoảng 100 binh sĩ Pháp sẽ được rút khỏi Iraq. Cùng ngày, Tướng Abdul Karim Khalaf, người phát ngôn của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iraq xác nhận rằng, quân đội Pháp đã rời khỏi lãnh thổ Iraq.
Lực lượng Pháp tại Iraq là một phần của Liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu, nhằm chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Liên minh này hỗ trợ đường không cho các chiến dịch chống khủng bố của Iraq và hỗ trợ đào tạo cho các lực lượng Peshmerga của Iraq và người Kurd. Mặc dù rút binh sĩ khỏi Iraq, song, Bộ Quốc phòng Pháp nhấn mạnh rằng, nước này sẽ tiếp tục các hoạt động không kích chống IS.
Băng đảng tự ban lệnh giới nghiêm chống Covid-19
Băng đảng ma tuý Red Command ở Cidade de Deus, một trong những khu ổ chuột nổi tiếng nhất nằm ở phía tây Rio de Janeiro Brazil, đã tự ban lệnh giới nghiêm, yêu cầu dân cư ở yên trong nhà sau 20h. Tại khu Morro dos Prazeres, những tay buôn ma tuý cũng yêu cầu người dân chỉ ra ngoài theo nhóm hai người, trong khi tại Rocinha, các băng đảng cũng áp lệnh giới nghiêm trước nỗi lo sợ người nghèo mắc Covid-19.
Tại khu ổ chuột Santa Marta, những tay buôn ma tuý còn phát xà bông và treo biển nhắc nhở mọi người rửa tay. Edmund Ruge, một biên tập viên của trang Rio On Watch, chuyên đưa tin về các khu ổ chuột, nói rằng việc các băng đảng tự áp lệnh giới nghiêm phản ánh sự thờ ơ bấy lâu của chính phủ Brazil với những khu vực trên, nơi điều kiện vệ sinh cơ bản rất thiếu thốn.
Madrid trả 340.000 bộ kit xét nghiệm của Trung Quốc do "không chính xác"
Thủ đô của Tây Ban Nha ngừng sử dụng bộ kit xét nghiệm Covid-19 nhanh do một công ty Trung Quốc sản xuất sau khi phát hiện nó không đủ chính xác. Bộ kit xét nghiệm bị nghi ngờ độ chính xác sau khi số ca nhiễm Covid-19 ở Tây Ban Nha hôm 26/3 tăng chóng mặt lên 56.188 với 4.089 ca tử vong. Đến sáng 27/3, các con số này là 57.786 và 4.365, chỉ thua Mỹ, Trung Quốc và Italy.
Hiệp hội Bệnh Truyền nhiễm và Vi sinh Lâm sàng (SEIMC), một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của Tây Ban Nha, đã đăng trên trang web rằng họ phát hiện ra gạc mũi của Trung Quốc có có tỷ lệ chính xác dưới 30%. Sản phẩm này do công ty Công nghệ Sinh học Bioeasy Thâm Quyến phát triển.
Các lực lượng ở Philippines và Yemen muốn ngừng bắn
Ngày 23/3, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới chấm dứt xung đột vũ trang để "cùng tập trung vào cuộc chiến thực sự của sinh mệnh". Hưởng ứng lời kêu gọi này, ngày 25/3, lực lượng Quân đội Nhân dân mới Philippines (NPA) tuyên bố sẽ dừng các hoạt động tấn công và chuyển sang trạng thái phòng thủ trong thời gian ngày 26/3 -15/4.
Chủ tịch Hội đồng Chính trị tối cao của phong trào Houthi tại Yemen Mahdi al-Mashat cũng hoan nghênh lời kêu gọi của ông Guterres, đồng thời tái khẳng định sẵn sàng theo đuổi các sáng kiến hòa bình tiến tới một giải pháp chính trị toàn diện cho Yemen. Cùng ngày, liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu tham chiến tại Yemen cũng bày tỏ ủng hộ những nỗ lực hướng tới giảm căng thẳng.
Nga quyết tâm duy trì thế cân bằng chiến lược với NATO
Ngày 25/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định, Moscow quyết tâm duy trì thế cân bằng chiến lược với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do tiềm lực tác chiến của Lực lượng Vũ trang Nga đã tăng hơn gấp đôi trong 8 năm qua. Cụ thể, tỷ lệ vũ khí và trang thiết bị hiện đại đã được nâng lên mức 68,2% và tới cuối năm nay, đạt 70%; tỷ lệ vũ khí hiện đại trong các lực lượng hạt nhân chiến lược đã vượt mức 87%.
Theo Bộ trưởng Shoigu, các cơ sở quân sự của Nga đang bị đe dọa, hoạt động quân sự của NATO gần biên giới Nga đang gia tăng hằng năm. Ngoài ra, NATO cũng thúc đẩy kết nạp thêm thành viên, trong khi Mỹ đẩy mạnh triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu. Ông Shoigu cũng cho biết, Bộ Quốc phòng Nga đã thiết lập một hệ thống đáng tin cậy để bảo vệ các nguồn tài nguyên thông tin và đảm bảo sự ổn định cao của hệ thống chỉ huy và kiểm soát Lực lượng Vũ trang Nga.
Số người bị ảnh hưởng bởi nắng nóng tăng gấp 4 lần vào cuối thế kỷ này
Các nhà khoa học mới đây cảnh báo số người trên toàn cầu phải hứng chịu thời tiết nóng ẩm cực đoan vào cuối thế kỷ này sẽ cao gấp 4 lần so với hiện nay, nếu lượng khí thải khiến Trái Đất ấm lên tiếp tục tăng, từ đó gây thiệt hại lớn về kinh tế và làm tăng các chi phí y tế. Theo các nghiên cứu mới, chi tiêu cho sức khỏe tâm thần sẽ tăng khi ngày càng nhiều gia đình gặp vấn đề về giấc ngủ và làm việc, trong khi nắng nóng sẽ làm trầm trọng hơn các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Nghiên cứu chỉ ra rằng hơn nửa tỷ người nhiều khả năng sẽ bị căng thẳng trên mức an toàn do nhiệt độ cao vào năm 2100 nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nghiên cứu cũng cho thấy tần suất diễn ra tình trạng nóng ẩm cực đoan sẽ nhiều hơn, và việc hạn chế toàn cầu ấm lên là cách tốt nhất để ngăn điều này xảy ra.