RT ngày 1/5 cho biết, khoảng 1.000 thợ mỏ trong vụ tai nạn lao động sập hầm mỏ bạch kim ở Nam Phi đã được giải cứu, trong khi 800 người khác vẫn bị mắc kẹt dưới lòng đất.
Khoảng 1.000 thợ mỏ trong vụ tai nạn lao động sập hầm mỏ bạch kim ở Nam Phi đã được giải cứu, trong khi 800 người khác vẫn bị mắc kẹt dưới lòng đất. Ảnh: Reuters
Trước đó, một loạt hãng thông tấn lớn đưa tin, vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào giờ ăn trưa hôm 30/4 (theo giờ địa phương), tại khu khai thác bạch kim ở thị trấn Theunissen, tỉnh Free State, Nam Phi.
Cụ thể, theo RT, do sự cố vận chuyển vật tư dưới lòng đất, khoảng 1.800 công nhân của Công ty Sibanye Gold đã bị mắc kẹt dưới hầm khai thác bạch kim nói trên.
Trong khi đó, Bloomberg dẫn lời người phát ngôn James Wellsted của Sibanye Gold xác nhận sự việc trên, nêu rõ khoảng 1.800 công nhân đã bị mắc kẹt dưới lòng đất tại một mỏ khai thác bạch kim ở Nam Phi, sau khi một đường hầm được sử dụng để chở công nhân gặp sự cố.
Theo thông tin cập nhật mới nhất về sự cố trên, sau khi một chiến dịch giải cứu được tiến hành, khoảng 1.000 công nhân đã được đưa lên khỏi hầm mỏ, trong khi 800 người khác vẫn bị mắc kẹt.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Sibanye Gold khẳng định những người bị mắc kẹt vẫn an toàn, và được cung cấp đầy đủ nước cũng như không khí, RT cho biết.
Vụ tai nạn một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về an toàn lao động tại Sibanye Gold. Theo báo cáo năm 2018, số vụ tai nạn lao động chết người tại công ty này tăng đột biến. Trong đó, vào hồi tháng 2/2018, khoảng 1.000 công nhân cũng bị mắc kẹt dưới lòng đất trong hơn một ngày tại mỏ vàng của Sibanye Gold vì lý do mất điện.